Theo dõi trên

Nhớ tiếng “dạ thưa cô”

18/11/2019, 09:53

BT- Năm 1956, ngày ấy chưa có “Ngày nhà giáo”. Ngôi trường làng nằm cách bờ biển chừng 200 mét. Đây là ngôi trường không tên ở Ấp Cây Găng (nay thuộc xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam), người phụ trách là một cô giáo trẻ rất xinh đẹp. Học trò  ngồi trong lớp học mà cứ ngóng ra biển, chờ tan trường ùa nhau xuống  biển hôi cá. Trẻ con theo ba mẹ kéo lưới bắt cá thích thú hơn đi học nhiều!

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, một thời gian gần cả một đời người, ngồi ngẫm lại, bây giờ thầy cô chúng tôi kẻ còn người mất, nhưng chắc chắn rằng mất thì nhiều, còn thì… ít! Những ông thầy bà cô ngày ấy, nếu còn sống chắc cũng đang trên đường lững thững đi về phía hoàng hôn, còn chúng tôi những đứa học trò ngày xa xưa cũ rích cũng đang lần theo ánh mặt trời ở buổi xế chiều.

Thời gian đi qua, con người rồi cũng đi theo qua, thế mà người ta cứ dửng dưng tồn tại, dửng dưng sống, rồi có một ngày dửng dưng thấy mình già không còn trẻ nữa, và rồi dửng dưng không còn dửng dưng nữa mà bỗng dưng thấy mình…  không được khỏe!

Nhớ những ngày đầu trần chân đất ăn vội chén cơm nguội hoặc một tay cầm củ khoai, ung dung… đến trường. Hình như ngày ấy ăn sáng là điều xa xỉ, không chỉ trẻ con đến trường mà ngay cả những người đi đánh cá, chỉ có hai buổi cơm trưa và cơm chiều. Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất, nghĩ lại có nhiều cái để nhớ, nhưng riêng tôi, tôi lại nhớ da diết, nhớ quay quắt, nhớ đến cồn cào là thèm được nghe và nói tiếng “dạ thưa cô” (phải là tiếng dạ thưa cô với cô giáo mình). Vâng, “dạ thưa cô” 3 tiếng ấy nghe sao mà trìu mến, thân thương nó bùi tai và ngọt thấm đến tận đáy lòng.

“Dạ thưa cô… em nghỉ học vì má bắt ở nhà xuống biển hôi cá”. “Dạ thưa cô… mai em nghỉ, ở nhà phụ ba vá lưới”. “Dạ thưa cô… em không thuộc bài vì  đêm qua nhà không còn dầu lửa để thắp đèn”...  Đằng sau tiếng “dạ thưa cô” ấy là những gì cô giáo không lường trước được, toàn là những lý do “chính đáng” của lũ học trò đói nghèo, tóc khét mùi nắng, da mốc meo vì nước biển, quần áo “có gì mặc nấy” (phần đông quần xà lỏn áo bà ba chằng chịt những miếng vá)… đến trường vì mê… cô giáo và mê chơi hơn mê học!

Làng tôi là làng chài lưới, mùa bấc biển gió thổi những hạt cát bay mù như sương, nên mi mắt đứa nào cũng cụp xuống, có cái nhìn ngắn. Đôi mắt ấy chỉ đôi lần thong thả khi đối diện với cô giáo: Dạ thưa cô…

Hồi tưởng lại… tôi không thể tin được một cô giáo dáng tiểu thư đài các mới ra trường lại chịu nhận về dạy một ngôi trường làng mà đốt đuốc đi tìm cũng không thấy có nhà vệ sinh. Cô giáo hỏi, không có nhà vệ sinh thì các em làm sao? Dạ thưa cô… tìm chỗ vắng ạ! Còn người lớn? Dạ thưa cô… thì đợi “cho đến khi chiều xuống”! Còn việc tắm giặt thì cô giáo tôi rất khổ, vì đàn bà con gái chỉ tắm ban đêm, mà phải lựa chỗ nào kín đáo. Ngày đầu nhận lớp, cô thất kinh hồn vía trước lũ học trò “to xác” mà chỉ học lớp tư, lớp ba (bây giờ là lớp hai, lớp ba). Dạ thưa cô… đình chiến rồi tụi em mới được đi học. Cô chỉ từng em để biết tên. Dạ thưa cô… em tên Đực, Mực, Bé, Rớt, Lượm… Đó là tên thường gọi, cô muốn biết tên khai sinh kìa, đi học phải có giấy khai sinh. Dạ thưa cô… còn đi biển đánh cá có cần khai sinh không ạ? Cả lớp cười vang…

Đây là những thằng khôn trước tuổi, cô giáo cũng thấy vui, nhưng cô giật mình khi có thằng phát biểu một câu nghe cũng đáng suy gẫm: Con người quả là rắc rối, đẻ ra là đã “sinh” rồi, còn phải đi “khai” nên mới gọi là “khai sinh” phải không, dạ thưa cô?...

TRẦN HỮU NGƯ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ tiếng “dạ thưa cô”