Theo dõi trên

Niềm tin con người

17/08/2018, 09:38

BT- Tại cuộc tọa đàm: “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch” do báo Lao Động tổ chức, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nói rằng: “Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến tâm huyết của người dân, đặc biệt là những tư tưởng mới. Bằng tinh thần cầu thị của mình, chúng tôi luôn lắng nghe những góp ý của xã hội.”(1)

Chỉ lo đối phó

Trong tọa đàm, chỉ thấy trao đổi vấn đề tổ chức thi, nêu hiện tượng vi phạm quy chế thi ở một số tỉnh, rồi tỏ thái độ phẫn nộ, có ý kiến nêu “để vụ việc đau lòng này không xảy ra trong những năm sau thì những hình thức xử phạt theo pháp luật phải nghiêm minh, để tất cả ai liên quan tới khâu tổ chức thi cử ở Việt Nam không còn dám gian lận nữa” (Lê Thống Nhất), chứ không đề cập đến vấn đề gốc rễ để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, thi cử, đó là chất lượng dạy và học. Bởi chúng tôi thấy khi kết thúc năm học, từ trường đến Bộ gần như chỉ chú ý đến tỷ lệ số lượng về xếp loại học lực trung bình, khá, giỏi; nếu xếp yếu kém (ở lại lớp) nhiều thì cấp trên nhắc nhở, phê bình, xét thi đua; trong thực tế những học trò thầy cô đề nghị xếp loại yếu kém là đúng thực chất, bởi không chịu học (đặc biệt là ở cấp THCS, đang rơi vào trách nhiệm phổ cập giáo dục), nên hiệu trưởng bằng mọi cách nhắc nhở để giáo viên cho lên lớp.

Nói đến đây, nhớ có lần chúng tôi (4 người) về một xã miền quê, tình cờ gặp một thầy giáo quen biết mời đến nhà. Khi chuyện trò, anh bảo, vừa rồi đọc một bài báo mà anh thấy mình có tội với nhân dân. Bạn tôi hỏi bài báo gì mà dữ vậy. Anh vào lấy báo. Hóa ra bài “Chuyện xóa mù và phổ cập giáo dục” đăng trên “Bình Thuận cuối tuần” số 5886. Khi ra trường về dạy ở địa phương, anh được phân công làm công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Anh bảo bài báo nêu lên sự thật về con số chất lượng ảo trong công tác này, chạy theo số lượng mà bất chấp chất lượng, biết không đúng mà vẫn im lặng thực hiện. Nên giờ thấy có tội là vậy. 

Xóa mù chữ – phổ cập giáo dục là chủ trương mang giá trị nhân đạo và tính nhân văn vô cùng cao quý – nhưng đâu riêng nước nào, một chủ trương mà Liên Hợp Quốc hết sức chú trọng, vì muốn tất cả con em nhân dân của các dân tộc đều được đi học để có trình độ văn hóa mà sống, mà ứng xử, làm việc. Mục tiêu của LHQ đề ra để các quốc gia phấn đấu là đến năm 2030 tất cả các trẻ em hoàn thành giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở miễn phí, công bằng và chất lượng. Nhưng ở nước ta đưa ra chỉ tiêu phấn đấu “cán đích” đúng hạn phổ cập giáo dục THCS tính đến tháng 6/2010. Từ đó, tỉnh này nhìn qua tỉnh kia – tỉnh có điều kiện cũng như chưa có điều kiện, xem họ công bố tỷ lệ phổ cập như thế nào, thế là đua nhau tăng tốc. Việc dạy và học thuộc về trí tuệ – về cơ cấu não bộ của từng người, tiếp nhận và vận dụng tri thức, không giống một công trình xây dựng cầu cống, đường sá, nhà cửa… tăng cường đào, chở, xây, đắp, ráp… nhưng giáo dục lại rút ngắn thời gian chạy theo tỷ lệ số lượng. Thầy giáo kể, đến ngày thi, các em không đi, phải cử người đến từng nhà chở các em đến nơi để xem là có mặt dự thi, ký tên, còn bài làm thế nào là chuyện khác. Đến kỳ, địa phương báo cáo với Bộ, Bộ báo cáo Chính phủ trên cơ sở tỷ lệ về số lượng đã hoàn thành, tỉnh nào chậm thì nhắc nhở, nhưng không đề cập gì đến chất lượng. Về kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây cũng vậy, chỉ rối lên từ việc ra đề đến tổ chức thi, nhưng đã thành công chưa trong cách ra đề thi trắc nghiệm khách quan cộng với lấy điểm “ảo” học bạ lớp 12 tham gia xét tốt nghiệp, tuyển sinh. Công chúng lên tiếng nhiều, nhưng có “luôn lắng nghe những góp ý của xã hội” để tiếp thu sửa đổi chưa? 

Xem mình là ai?

Từ cuộc tọa đàm, rất bất ngờ khi ông TS Lê Thống Nhất – người tham gia tích cực về việc đưa công nghệ thông tin vào thi cử trong những năm qua, nói: “Tôi lại cho rằng nếu như chúng ta chỉ nói về vấn đề con người thì sẽ luôn luôn thất bại, bởi vì không biết được cách thay đổi con người để họ trở thành người tốt. Chúng ta cố gắng bao nhiêu thì kẻ xấu vẫn còn. Vì thế tuyệt đối không thể tin vào con người. Chúng ta cần phải có biện pháp công nghệ chặt chẽ. Nếu quy chế vẫn phụ thuộc vào con người, công nghệ vẫn phụ thuộc vào con người thì muôn đời vẫn có kẻ xấu. Tôi nhấn mạnh rằng làm sao để không thể tiêu cực thì xuất phát điểm là không thể tin vào con người. Chúng ta phải bằng quy chế, bằng giám sát làm sao để không gian lận được.”(2). Làm công tác giáo dục mà không tin vào con người thì tin ai, phủ nhận niềm tin vào con người thì giáo dục để làm gì? Người tham gia tổ chức công tác thi cấp Bộ đã phát ngôn như vậy, chúng tôi nêu lên để “lắng nghe những góp ý của xã hội”.

Võ Nguyên

Nguồn: (1), (2). https://laodong.vn (LĐO | 09/08/2018 | 07:30)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm tin con người