Theo dõi trên

Nói có sách

31/07/2020, 08:35 - Lượt đọc: 5,214

BT- Sáng chủ nhật, tôi đến thăm anh bạn là thầy giáo, lại gặp một thầy nữa – cả hai đều dạy văn. Họ đang bàn luận sôi nổi về từ ngữ, nhân dịp kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông vừa rồi đề thi môn ngữ văn có hỏi về từ láy. Anh bạn chủ nhà nói, thật ra ranh giới từ ghép và từ láy còn nhiều phức tạp.

Chuyện của nhà ngôn ngữ

Thầy giáo – khách, nói chương trình ngữ văn trung học cơ sở dạy học sinh nhận diện từ ghép và từ láy khá đơn giản, chứ có gì phức tạp. Sách giáo khoa hướng dẫn từ ghép là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa. Còn từ láy là những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng được ghép lại – hay nói cách khác là sự lặp lại ngữ âm một bộ phận hay toàn bộ hình thức ngữ âm tiếng gốc. Rồi anh trích dẫn, như GS. TS Đỗ Hữu Châu nói: “Từ láy bộ phận có thể là từ láy âm tức là láy mà phụ âm đầu thì giữ lại, còn vần thì khác, như: đẹp - đẹp đẽ, xinh - xinh xắn. Từ láy bộ phận có thể là từ láy vần, nếu vần được giữ lại, còn phụ âm đầu thì khác, như: túng - lúng túng (vần ung), chỏng - lỏng chỏng (vần ong), rối - bối rối (vần ôi)”(1). Trong ngữ pháp tiếng Việt thì “từ láy toàn bộ là từ láy trong đó có sự lặp lại hoàn toàn của tiếng”. Như: xanh – xanh xanh, tím – tim tím(2). Còn Nguyễn Thiện Giáp thì nói: “Đây là những từ tổ hợp có sự tương ứng hoàn toàn giữa 2 thành tố; như: ầm ầm, ào ào, oang oang, khò khò, pho pho, hu hu, rầm rầm, đùng đùng…”(3). 

 Tìm được gì trong từ điển

Anh bạn chủ nhà nói, phức tạp bởi khó phân biệt rạch ròi giữa từ ghép và từ láy, cũng chính GS. TS. Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Có những từ láy 2 âm tiết, phụ âm đầu và vần của các âm tiết đó tuy vẫn theo đúng quy tắc láy, nhưng thanh điệu của chúng không phù hợp với quy tắc nhóm thanh thì chưa hẳn đã là từ láy đôi chân chính. Thí dụ: “mơ màng”, “mơ mộng”, “lanh lợi”, “êm đềm”, “âu sầu”, “ủ rũ”… có thể đó là những từ ghép mà cả 2 hình vị đều có nghĩa (“mơ”, “màng”, “mơ”, “mộng”, “âu”, “sầu”…) hoặc là từ gốc Hán “lanh lợi”. “Lại có một số từ 2 âm tiết rất phù hợp với quy tắc láy đôi về âm và thanh điệu song cả 2 âm tiết đều có nghĩa (hoặc hiện nay hoặc trước kia có nghĩa) như “đền đài”, “gậy gộc”, “mưa móc”, “thuốc thang”, “chùa chiền”, “hỏi han”, “ngặt nghèo”, “vung vẩy”, “nhảy nhót”. Sau này chúng ta sẽ thấy cả về ý nghĩa, những từ này vừa giống với ý nghĩa của một kiểu từ ghép vừa giống với ý nghĩa của một từ láy. Đây là những trường hợp trung gian giữa từ ghép và từ láy”(4). Anh cười, có những từ mang yếu tố “lưỡng tính” như vậy, học sinh có thể trả lời từ ghép hoặc từ láy đều phải chấp nhận. Không phức tạp là gì! Nói xong, anh bước lại kệ sách - anh có một kệ sách rất lớn, phủ kín 2 mặt tường – rút ra cuốn Từ điển từ láy tiếng Việt(5), nói những từ trên đều có trong cuốn này, và giải thích còn chung chung, chưa thật thấu đáo, như từ “lanh lợi”, giải thích: tt. (ph). Linh lợi. Cậu bé trông lanh lợi, thông minh – tr. 244; “gậy gộc”: dt. Đoạn tre, song gỗ được coi như là một thứ vũ khí để đánh; gậy (nói khái quát) – tr. 142; “chùa chiền”: dt. Chùa (nói khái quát) – tr. 92; “hỏi han”: đgt. Hỏi để biết, để bày tỏ sự quan tâm (nói khái quát) – tr. 167; “nhảy nhót”: đgt. Nhảy bằng những động tác trẻ, vui và thích thú – tr. 388; “vung vẩy”: đgt. Đưa qua đưa lại nhiều lần liên tiếp một cách tự nhiên (thường nói về tay, chân) – 561… Giải thích như thế và xếp tất cả vào từ láy.

Đến đây tôi mới tham gia hỏi, căn cứ vào đâu để giải thích những từ trên không phải từ láy? Anh nói, như từ “chùa chiền”, giải thích: “chùa”: nhà cất kiểu riêng, có sãi và vãi ở thờ Phật, tụng kinh. Còn “chiền” cũng có nghĩa: thiền, chùa, nơi tu hành theo đạo Phật. Nói “chiền gia” hay “thiền gia” là chỉ người tu hành(6). Vậy cả 2 từ đều có nghĩa. Hoặc từ “hỏi han” – lâu nay nhiều người nói từ “han” tách riêng thì “han” không có nghĩa, nên “hỏi han” là từ láy, nhưng tìm hiểu cho thấy “hỏi” là “ngỏ lời cho người đáp điều mình muốn biết”(7). Còn “han” có nghĩa là “hỏi tới”, “nói tới”(8) – Truyện Kiều Nguyễn Du có viết: "Trước xe lơi lả han chào” (câu 925) – “han chào” là chào hỏi. Vậy “hỏi han” là “hỏi cho biết việc này việc kia”(9). Hai từ “hỏi” và “han” đều có nghĩa. Vậy “chùa chiền” hay “hỏi han” đâu còn là từ láy. Nếu nói như GS.TS Đỗ Hữu Châu thì đây là loại từ mang ý nghĩa trung gian rồi – phức tạp quá chứ! Từ đó, người viết bài này mong rằng, những nhà làm từ điển cần chú giải thật thấu đáo, cặn kẽ, giúp cho học sinh dễ bề tra cứu.

Võ Nguyên

 Nguồn: (1), (4): Đỗ Hữu Châu. Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, 1981, tr. 40, 43; (2): Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH, 1993, tr. 56; (3): Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, 1985, tr. 93 – 94; (5): Viện Ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, 1995; (6), (7), (9): Lê Văn Đức – Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970; (8): Huình - Tịnh Paulus Của – Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giải thích: “han” là hỏi thăm, chào hỏi, như “han chào”, cũng có khi nói “han hỏi” – Hàn huyên han hỏi.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nói có sách