Theo dõi trên

Ôn thi theo đề có nên không?

01/12/2017, 09:15

BT- Gần đến thời điểm học sinh ôn thi học kỳ thì câu hỏi “Có nên cho học sinh ôn thi theo đề cương không?” luôn được đặt ra không ít lần ở nhiều hội đồng sư phạm, nhưng rốt cuộc vẫn chưa có ý kiến thống nhất vì có ít nhất hai luồng ý kiến trái chiều.

Có giáo viên cho rằng, việc nhà trường không cho phép ra đề cương để học sinh ôn tập sẽ buộc học sinh chăm học hơn, học không ỷ lại. Muốn đạt điểm cao, học sinh phải có cả một quá trình học tập, tích lũy, có tư duy logic, tổng hợp. Việc này cũng giúp nhà trường đánh giá năng lực của các em một cách chính xác nhất. Ôn thi không đề cương sẽ dẫn đến việc đánh giá học sinh công bằng hơn.

Một số thầy cô lại đưa ra quan điểm ôn thi theo đề cương sẽ tránh cho các em phải học một cách ôm đồm cả một lượng kiến thức khổng lồ theo kiểu may rủi, như thế là tội trò. Hơn nữa, nếu không có đề cương, học sinh sẽ chẳng muốn học và như thế chỉ tiêu về hoàn thành môn học của chính giáo viên cũng bị khống chế, như thế là tội thầy.

Với những lý luận, minh chứng đưa ra, phần đông giáo viên đều cho rằng ôn thi không đề cương là cách dạy thật, học thật. Nhưng chẳng ai dám phiêu liêu với chất lượng của học sinh khi mọi đánh giá về thành tích cá nhân và nhà trường đều lấy đó làm tiêu chí.

Một thực tế cho thấy, học sinh ngày càng lười học. Nếu không có đề cương nhiều em sẽ không chịu học bài. Một giáo viên dạy Sử ở một trường THCS chia sẻ: “Có đề cương, giới hạn đề sẽ kiểm tra, sẽ thi một cách cụ thể nhất nhưng nhiều em còn chưa chịu học. Thậm chí có em lười học đến mức trước ngày kiểm tra, giáo viên đã nói nhỏ và chỉ hẳn phần kiến thức sẽ kiểm tra cụ thể. Thế mà, ngày kiểm tra những học sinh này vẫn chỉ viết được đôi ba dòng, thậm chí để giấy trắng. Có đề cương còn vậy, không có đề cương chắc chắn sẽ rất nhiều điểm yếu”.

Đa phần giáo viên bây giờ đều sợ học sinh không làm được bài thi. Bởi nhiều trường THCS đã ấn chỉ tiêu về chất lượng môn học cho từng giáo viên. Ví dụ, những môn như Sử, Địa, Giáo dục công dân…phải đạt hơn 90%  từ điểm 5 trở lên, nếu dưới chỉ tiêu ấy xem như giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Giáo viên vi phạm, nhà trường đâu có vô can? Thế là chỉ còn cách “tự cứu lấy mình” là ra đề cương và giải đề cương cho học sinh học. Điều này mang đến nhiều cái lợi cho giáo viên, cho nhà trường nhưng sẽ triệt tiêu tinh thần tự học, động lực học tập của không ít học sinh bây giờ.                                         

Thảo Ly



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ôn thi theo đề có nên không?