Theo dõi trên

Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài

22/09/2017, 08:47 - Lượt đọc: 600

Thời nào cũng có

BT- Trong sự nghiệp giáo dục từ xưa đến nay, bất cứ thời đại nào, quốc gia nào cũng đặt ra phương châm “phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”.

Từ giữa thế kỷ XV, Thân Nhân Trung (thời vua Lê Thánh Tông) đã ghi vào văn bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”(1). Nhưng việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài như thế nào mới là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với quốc gia dân tộc.

                
Nhân tài cần được sử dụng và khai thác hợp    lý. Ảnh minh họa

 Xem chừng chệch hướng

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo tập trung vào hướng phát hiện và bồi dưỡng, tổ chức thi cử, bước đầu tuyển chọn ra những học sinh giỏi - học sinh năng khiếu ở phổ thông, đó là dấu hiệu ban đầu phát hiện tài năng, nhưng về phương pháp bồi dưỡng và hiệu quả sử dụng cũng cần nghiêm túc nghiên cứu xem xét lại. 

Hiện nay các tỉnh – thành phố trên toàn quốc tuyển chọn (phát hiện tài năng) học sinh xuất sắc nhất lập đội tuyển rồi tổ chức bồi dưỡng để tham gia dự thi. Nhưng việc bồi dưỡng học sinh giỏi lại cứ nhăm nhắm vào gu ra đề, ê-kíp (equipe) thường ra đề, thậm chí nhiều trường theo dõi những cán bộ, giảng viên nào đã từng tham gia ra đề cấp quốc gia để mời về bồi dưỡng cho học sinh mình. Hình thức bồi dưỡng hầu hết tập trung dồn nén kiến thức cho học sinh – nghĩa là nhắm vào đề thi sắp đến sẽ ra cái gì, nếu “tủ” được thì càng tốt để mong đạt giải cho có thành tích. Trong cách tổ chức bồi dưỡng, chưa thấy có định hướng lâu dài nào cho một nền giáo dục học vấn thực học(2). Lâu nay, nhiều nhà giáo chân chính đã lên tiếng không nên tổ chức để các đơn vị lập “lò nuôi gà chọi” tham gia kỳ thi. Cách dạy và học như thế ở bậc phổ thông làm cho học sinh dễ rơi vào kiệt sức, sẽ mất đi lực phát triển về sau. Điều quan trọng  đối với những học sinh đã có năng lực – trí tuệ thông minh, cần giúp các em phương pháp tự học là chủ yếu, nuôi dưỡng niềm đam mê để các em tiếp tục duy trì theo đuổi nghiên cứu, phát huy năng lực sáng tạo suốt cả cuộc đời.

Lâu nay, biết bao thế hệ học sinh trung học phổ thông đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, nhưng rồi những học sinh đó đi đâu, về đâu, tiếp tục bồi dưỡng như thế nào để sử dụng hiệu quả, chưa thấy. Điều quan trọng là từ những học sinh giỏi đó phải theo dõi tiếp tục bồi đắp để trở thành người tài – cái tài ấy chỉ được thừa nhận khi đem lại lợi ích trong công việc. Phương pháp phát hiện, bồi dưỡng theo hướng này đến nay không xa lạ khi xuất hiện tư tưởng và học thuyết của Dave Ulrich – GS Đại học Michigan (Hoa Kỳ) –đánh giá về nhân lực, nhân tài, trong đó đặc biệt là “Lý thuyết Nhân tài 3C”: Năng lực – cam kết – cống hiến(3) đang được áp dụng phổ biến trên khắp thế giới.

 Kết quả về đâu 

Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, lần đi dự hội nghị (cấp Bộ ở phía Nam) về phát hiện và bồi dưỡng tài năng, PGS Hoàng Chúng có nói: Chúng ta có phát hiện và bồi dưỡng nhân tài không? Rõ ràng là có. Nhưng việc làm chúng ta giống như tổ chức cho người thi leo núi. Đứng bên dưới nhìn họ leo lên đến đỉnh rồi vỗ tay hoan hô. Sau đó họ đi đâu thì không để ý. Chúng ta có nhân tài không? Có nhiều đấy. Nhưng sử dụng nhân tài như thế nào thì gần giống như vận động viên leo núi kia… Nhớ lại ví dụ của PGS về leo núi, tôi nghĩ về những kỳ thi “Đường lên đỉnh Olympia” (Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức) đến nay đã 17 lần chung kết. Những học sinh đạt giải Đường lên đỉnh Olympia phải thừa nhận là những học sinh có bộ não thông minh, nhạy bén tuyệt vời, là mầm mống của những nhân tài, đặc biệt là những em được trao vòng nguyệt quế – giải nhất. Vậy bây giờ các em ấy đang ở đâu, về đâu ? Tất cả 15 em giải nhất hiện nay đang học và làm việc tại Australia; duy chỉ có 1 em (quán quân lần thứ 3) bảo vệ xong thạc sĩ ở Australia về nước làm cho một công ty quảng cáo tại TP. Hồ Chí Minh(4). Không biết quán quân lần thứ 17 (năm 2017) này sắp tới sẽ chọn lựa ra sao.

Việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng là của ngành giáo dục, nhưng việc sử dụng nhân tài thuộc về Nhà nước. Đây là vấn đề băn khoăn, suy ngẫm, một câu hỏi lớn đặt ra không chỉ dành riêng cho ai.

Võ Nguyên

(1): Niên hiệu Đại báo thứ ba – 1442.  (2): Xem bài Nghĩ về nền học vấn thực học trên Bình Thuận cuối tuần số 5811 ngày 28/7/2017. (3): Nguồn: vietnamnet.vn (3C = Competence – Commitment – Contribution). (Tham khảo Dave Ulrich – Human Resource Champions – Đối tác chiến lược nhân sự). Dave Ulrich đã từng đến Việt Nam. (4): Nguồn: www.baomoi. com;www.webtretho.com



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài