Theo dõi trên

“Phổ cập” tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

04/12/2017, 08:54

BT- Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Trường tiểu học Phan Sơn (huyện Bắc Bình) đã không ngừng nỗ lực vượt khó, tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số trong những năm gần đây.

                
Trường tiểu học Phan Sơn tăng cường dạy    tiếng Việt cho học sinh dân tộc.

Đổi mới phương pháp dạy học

Trường tiểu học Phan Sơn thuộc vùng miền núi, có 2 cơ sở, điểm trường chính nằm ở thôn Ka Líp ngay trung tâm xã và điểm trường phụ nằm ở thôn Ka Lúc cách nhau 15 km. Năm học này, toàn trường có 470 em học sinh, đa phần học sinh là con em của đồng bào dân tộc K’ho, Rắc Lây (chiếm gần 96%). Vì thế, việc tiếp cận tiếng Việt với các em nơi đây rất khó khăn. Mặt khác, do phụ huynh ít quan tâm đến việc học của các em nên chất lượng đầu vào thấp. Chính từ những khó khăn đó, nhà trường đã tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, nhà trường đã chú trọng phương pháp tăng cường dạy tiếng Viết cho học sinh ở tất cả các khối lớp. Riêng khối lớp 1 thực hiện chương trình giãn tiết môn tiếng Việt, từ 350 tiết lên 500 tiết theo quy định của Bộ GD & ĐT. Qua các tiết dạy, giáo viên đã truyền đạt kỹ năng tập nói tiếng Việt cho học sinh, giúp các em nắm được những vốn từ cơ bản cần thiết trong học tập và giao tiếp. Cùng với đó, các giáo viên phải tự nguyện dạy phụ đạo, kèm cặp học sinh có học lực yếu giúp học sinh nắm bắt kịp chương trình, bài học trên lớp.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Lựu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng các lớp, trường đã quán triệt trong hội đồng sư phạm tinh thần đổi mới chương trình sách giáo khoa, lấy học sinh làm trung tâm, mạnh dạn thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong từng tiết dạy, bài giảng của từng giáo viên. Hiện trường đang thực hiện dạy 10 buổi/tuần đối với khối lớp 1 và 5 buổi/tuần đối với các khối còn lại theo chương trình của Bộ GD & ĐT. Song song đó, nhà trường đã làm tốt công tác vận động trẻ 6 tuổi đến trường đạt 100% và vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Từ đó, chất lượng dạy và học của trường  ngày càng nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể (năm học 2017 – 2018 không có học sinh bỏ học đầu hè). Với những nỗ lực trên, năm học qua nhà trường được UBND huyện tặng giấy khen tập thể lao động tiên tiến.

 Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc) để giao tiếp nhiều nên việc tiếp cận tiếng Việt của các em gặp nhiều khó khăn. Phụ huynh vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” con em cho nhà trường. Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ như thiếu phòng học, bàn ghế xuống cấp, sân trường hư hỏng do nước ngập... Trong khi đó,  đa số giáo viên từ đồng bằng lên công tác, nhà cách xa trường nhưng khu nhà tập thể trường quá chập hẹp không đáp ứng nhu cầu ở lại cho các giáo viên. Hiện tại điểm trường chính chỉ có 4 phòng tập thể nhỏ nhưng có đến 23 cán bộ, giáo viên lưu trú.

“Tôi mong sao có thể xây thêm  2 phòng nhà tập thể cho cán bộ, giáo viên lên công tác có chỗ ăn ở. Chứ hiện nay nhiều cán bộ, giáo viên có con nhỏ nhưng không có chỗ ở lại nên hàng ngày phải vượt quãng đường 50km từ nhà đến trường để giảng dạy. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu huyện giao đến năm 2019 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, thì cần phải xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng ở 2 cơ sở và bổ sung bàn ghế cho các cháu ngồi học…”, cô Lựu cho biết thêm.

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Phổ cập” tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số