Theo dõi trên

Phòng chống sốt xuất huyết: Phòng ngừa lăng quăng trong trường học

20/09/2017, 09:47 - Lượt đọc: 312

BT- Với diễn biến thời tiết phức tạp, cùng thời gian trẻ, học sinh nhập học, lớp học trang trí cây cảnh bằng phương pháp thủy canh không thay nước; nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) có thể xuất hiện tại các trường học...

Trường học nhiều lăng quăng

Mới đây, Trưởng khoa kiểm soát vector Lê Trung Nghĩa (Viện Pasteur Nha Trang), thành viên của đoàn giám sát số 4 của Bộ Y tế,  giám sát thực tế tại một trường mẫu giáo ở Phan Thiết thấy nhiều lăng quăng sắp nở thành muỗi trong các bình trồng cây trầu bà được đóng đinh chặt trên các vách tường. Điều này cho thấy trường mẫu giáo không hề thay nước trong lọ cây trồng.

Một số giáo viên mầm non nói: “Hầu như trường nào cũng có trồng cây trầu bà trang trí trong lớp học để tạo mảng xanh, có tác dụng lọc không khí. Thấy nước trong bình cây vơi, thì giáo viên châm thêm nước sạch vào chứ không súc rửa gì! Giáo viên không nghĩ  muỗi vằn gây bệnh SXH đẻ trứng trong các lọ nước trồng cây”.

Thời điểm đỉnh của dịch sốt xuất huyết thường diễn ra vào tháng 11, diễn biến thời tiết trong khoảng thời gian này hết sức phức tạp, có khả năng tiếp tục có mưa là điều kiện lý tưởng để lăng quăng, muỗi phát triển. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch. Một con muỗi đẻ khoảng 100 - 200 trứng mỗi lần, trứng nở ra lăng quăng, lăng quăng phát triển thành muỗi. Trong khi đó, trường học trồng cây trầu bà bằng phương pháp thủy canh. Nếu không ngăn được muỗi đẻ trứng bằng cách thường xuyên súc rửa, diệt lăng quăng, thì số lượng muỗi tăng gấp nhiều lần.

 Nguy cơ mắc bệnh SXH

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 1.241 trường hợp SXH dengue; trong đó có  20 ca nặng và không có ca  tử vong. Số ca mắc giảm 14,2% so cùng kỳ năm 2016 (1.447 ca). Trong đó, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết... là những địa phương có số mắc cao. Mặc dù số ca mắc giảm, nhưng trước diễn biến thời tiết nắng mưa đan xen như hiện nay; cùng thời gian trẻ, học sinh nhập học, lớp học trang trí cây trầu bà bằng phương pháp thủy canh nếu không thay nước thường xuyên  thì nguy cơ gây nên SXH trong học sinh.

Sau kiểm tra thực tế, đoàn giám sát yêu cầu Sở Y tế phối hợp ngành giáo dục tuyên truyền học sinh, nhà trường tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, thường xuyên diệt lăng quăng trong các lọ cây trồng, dọn sạch  môi trường xung quanh trường học và nơi có nước đọng lại sau mưa.            

 Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống sốt xuất huyết: Phòng ngừa lăng quăng trong trường học