Theo dõi trên

Sách giáo khoa phải chuẩn!

24/11/2017, 14:06 - Lượt đọc: 54

BT- Cuốn sách giáo khoa VNEN mà nội dung kiến thức giảng dạy cho học sinh  gần như sao y bản chính của cuốn sách giáo khoa năm 2000. Những sai sót về kiến thức trong cuốn sách giáo khoa năm 2000  từng được nhiều nhà giáo chỉ ra nhưng sách VNEN vẫn không chỉnh sửa cho hợp lý mà sao y bản chính cả những tồn tại ấy.

Trong thực tế, không tránh khỏi một số thầy cô giáo luôn suy nghĩ: “Sách giáo khoa  là đúng, vì vậy sách viết sao là cứ dạy như vậy”.

Có thể nhặt ra đây một số lỗi sai thường gặp. Trong bài “Tiếng ru” của nhà thơ Tố Hữu (Sách VNEN lớp 3). Ở phần giải nghĩa ghi Nhân gian: chỉ loài người.

Một số giáo viên cho rằng, nếu giải nghĩa như thế là không đúng và sẽ làm cho ý nghĩa câu thơ khác đi. Nhiều ý kiến lại cho rằng, giải nghĩa như thế là phù hợp với trình độ hiểu và nhận thức của học sinh lớp 3. Nếu hiểu như thế hóa ra ý nghĩa câu thơ “Một người đâu phải nhân gian…” phải hiểu là một người không phải là loài người hay sao(?) Thế là, nhóm giáo viên cho rằng sách giáo khoa giải nghĩa, khi dạy giáo viên cần đính chính lại. Nhưng có nhóm lại cho rằng giải nghĩa như thế là đúng và sách nói sao cứ dạy như thế.

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên (một trong những cuốn từ điển được xem là uy tín nhất hiện nay) giải thích rằng nhân gian: Cõi đời, nơi loài người ở. So hai cách giải nghĩa (chỉ loài người và cõi đời nơi loài người ở) là hoàn toàn trái ngược nghĩa nhau.

Đã có rất nhiều nhà thơ dùng từ nhân gian trong thơ của mình như tác giả Nguyên Thạch đã viết: “Ôi cõi nhân gian? Chốn vũng lầy! Ta tự hỏi ta, sao ở đây?”. Nhà thơ Hồng Dương viết: “Cõi nhân gian đứng đắn quá thừa”. Hay Nguyễn Du đã viết “Nước trôi hoa rụng đã yên/ Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian”...

Chưa hết, chẳng hạn từ ngẩn ngơ bài “Cháu nhớ Bác Hồ” (TV lớp 2 cuốn 2B/40): cảm thấy như mơ. Trong khi đó, từ điển tiếng Việt lại giải nghĩa ngẩn ngơ: ở trạng thái như không còn chú ý gì đến chung quanh, vì tâm trí đang để ở đâu đâu.

Từ uy nghi trong bài “Cây và hoa bên lăng Bác” (TV lớp 2 cuốn 2B/53) giải nghĩa là: trang nghiêm. Trong khi từ điển lại giải thích rằng uy nghi: có dáng vẻ tôn nghiêm, gợi sự tôn kính.

Nếu giải nghĩa như sách giáo khoa “uy nghi là trang nghiêm”. Mà trang nghiêm là gì thì học sinh chưa hiểu được. Chẳng lẽ lúc này, giáo viên lại phải giải thích tiếp từ trang nghiêm: Có những hình thức biểu thị thái độ hết sức coi trọng, tôn kính (nơi đền miếu trang nghiêm hay đứng trang nghiêm chào cờ…) như thế học sinh lại càng khó hiểu. Trong khi chỉ cần giải nghĩa uy nghi là có dáng vẻ tôn nghiêm, gợi sự tôn kính là các em sẽ hiểu được người ta muốn nói đến lăng của Bác có dáng vẻ tôn nghiêm, gợi nên sự tôn kính là đủ.

Theo nguyên tắc giải nghĩa từ, phải lấy cái đã biết để giải nghĩa cho điều chưa biết. Giải nghĩa như sách giáo khoa VNEN lấy cái chưa biết giải thích cho cái chưa biết hóa ra chẳng phải làm khó cho giáo viên và học sinh hay sao?

Việc giải nghĩa từ một cách cẩu thả không chỉ gây sự khó hiểu còn gây khó khăn cho việc dạy và học của giáo viên, của học sinh. Điều tai hại là hiểu sai từ và giải thích theo điều sai ấy sẽ ảnh hưởng đến nét đẹp của từ ngữ Việt Nam. Hy vọng những bộ sách giáo khoa sau này không mắc phải những lỗi sai đáng tiếc như thế.

Phan TuyẾt



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách giáo khoa phải chuẩn!