Theo dõi trên

Sinh ngữ và cổ ngữ

27/12/2019, 10:01

BT- Trước đây, tôi viết bài “Học Hán Nôm”, một số bạn đọc chưa kỹ nên nói thời điểm nào rồi mà không lo học tiếng Anh, lại bảo đi học Hán Nôm. Thật ra, khi thấy một số tỉnh người ta đã làm được và có hiệu quả thiết thực, nên chúng tôi nêu gợi ý mở câu lạc bộ dạy - học Hán Nôm, giúp những ai thích học thì học, để họ có điều kiện tra cứu, tham khảo một số văn tự cổ của cha ông để lại. 

                
Ảnh minh họa

 Ngày xưa cô nói

Học xong phổ thông, học sinh nào mà chẳng biết được chữ Hán Nôm là loại mẫu tự rất phức tạp của Trung Quốc. Viết được chữ Hán phải thuộc 214 bộ chữ cái, nhưng đó là thứ chữ ghi âm Hán; cha ông ta phải mượn chữ Hán để “chế biến” ra chữ Nôm ghi âm tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Muốn viết được chữ Nôm phải thông thạo chữ Hán. Phức tạp lắm! Trong khi chữ Quốc ngữ bây giờ chỉ mượn mẫu tự Latinh với 24 chữ cái, thêm một số ký hiệu dấu âm, sẽ ghi được bất cứ âm thanh nào của tiếng Việt muốn biểu đạt, tiện lợi vô cùng. Hồi học đệ tứ (lớp 9), cô giáo dạy Pháp văn nói với chúng tôi, tiếng Pháp đang học là sinh ngữ, khác với cổ ngữ. Có bạn hỏi, cổ ngữ là gì? Cô nói là loại ngôn ngữ - chữ viết còn lưu giữ trong các thư tịch cổ, chứ không phải để giao tiếp hàng ngày trong cuộc sống, có người gọi là “tử ngữ”, như chữ Hán trong các văn tự cổ ở nước ta chẳng hạn. Em nào thích học cổ ngữ thì lên đệ tam (lớp 10) học ban D(1). Nhưng lưu ý, việc học sinh ngữ, các em phải biết, xem trên thế giới hiện nay ngôn ngữ - chữ viết nào người ta dùng trong giao tiếp thông dụng nhiều nhất để mà chọn lựa theo học. Mọi việc học đều nhằm vào mục đích sử dụng thiết thực mới có giá trị. Một bạn hỏi cô, hiện nay tiếng nước nào thông dụng và sử dụng nhiều nhất? Cô nói còn tùy thuộc vào từng quốc gia, nhưng quan hệ giao dịch trên trường quốc tế, tiếng Anh phổ biến rộng rãi nhất.

Biết để lựa chọn

Chuyện cô trao đổi với lớp cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng bây giờ nhớ lại thấy định hướng của cô vẫn rất thiết thực. Nói vậy, bởi vừa rồi chúng tôi có đọc bài phỏng vấn học giả lão thành Trung Quốc Châu Hữu Quang (1906 – 2017), Nguyễn Hải Hoành biên dịch, đề cập đến vấn đề chữ viết này. Từ năm 1950, trước thực trạng 85% dân Trung Quốc mù chữ, họ phải cải cách chữ viết (từ phồn thể sang giản thể, bớt nét, để dễ dàng dạy phổ cập). Hiện nay, một số học giả Trung Quốc dựa vào tinh thần phục hưng văn hóa truyền thống, kêu gọi khôi phục chữ phồn thể (loại chữ Hán nhiều nét trong quá khứ, như chữ – loan: chim loan, 30 nét;  chữ – thô: xa xôi, to lớn, 33 nét…), rất phức tạp. Họ có hỏi học giả Châu Hữu Quang, ông nói chẳng khôi phục được đâu. Ông bảo vấn đề này đi hỏi các thầy giáo dạy tiểu học ấy. Tốt nhất Bộ Giáo dục nên tổ chức điều tra rộng rãi, các giáo viên tiểu học tán thành cái nào thì theo thế ấy. Chắc chắn đa số giáo viên tiểu học đều tán thành chữ giản thể. Và ông đưa thêm thông tin, có lần ông hỏi một nhân viên công tác trong Hội Ngôn ngữ Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng 6 loại ngôn ngữ làm việc của LHQ, loại nào dùng nhiều? Ông ấy nói vấn đề này đã có kết quả thống kê, kết quả ấy không giữ bí mật nhưng cũng không tuyên truyền, bởi lẽ nói ra thì sẽ có một số người không vui. 80% văn bản của LHQ dùng tiếng Anh, 15% dùng tiếng Pháp, 4% dùng tiếng Tây Ban Nha, còn lại 1% trong đó có tiếng Nga, tiếng A Rập, Trung văn, trong đó Trung văn chưa đến 1% sao mà có thể cạnh tranh với tiếng Anh được cơ chứ? Ông còn nhận định, ngày nay người ta học tiếng Trung Quốc là để chơi, chẳng khác gì học hát học nhảy, muốn học đến trình độ dùng được thì còn chưa(2).

Vừa qua có bạn hỏi việc đề xuất lập câu lạc bộ ấy đến đâu rồi, nên chúng tôi viết lại bài này, học chữ Hán Nôm tức là học và nghiên cứu loại chữ phồn thể hết sức phức tạp đó. Tuy vậy, vẫn muốn đề xuất tổ chức câu lạc bộ dạy – học Hán Nôm, giúp số người yêu thích, để họ tìm hiểu, biết được những gì cha ông ta đã một thời dùng loại văn tự đó khắc ghi trên các văn bia nơi đền thờ, miếu mạo, gia phả, thư tịch… là điều có ích.

    
    (1). Miền   Nam trước năm 1975, ở phổ thông trung học đệ nhị cấp có 4 ban: A, B, C,   D. Ban C chuyên về văn chương và sinh ngữ (Anh, Pháp), nếu Anh sinh ngữ   1 thì Pháp sinh ngữ 2 và ngược lại; Ban D chuyên về văn chương và cổ văn   (Hán văn hoặc Latinh), ban này rất ít người theo học. (2). Nguồn:      https://nghiencuuquocte.org.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh ngữ và cổ ngữ