Theo dõi trên

Sinh viên Bình Thuận: Lo sợ ra trường “thất nghiệp”

08/11/2016, 09:41

BTO - Không còn sự lạc quan, yêu đời của cái thời sinh viên năm nhất. Trên khuôn mặt của những cô cậu cử nhân sắp tốt nghiệp đại học bây giờ  luôn chất chứa nhiều lo lắng. Đó là tâm trạng chung của hầu hết các bạn sinh viên, trong đó có sinh viên Bình Thuận đang chuẩn bị cuộc hành trình tìm việc.

         
   

   Ảnh    Ngọc Lân

Nỗi buồn mang tên “thất nghiệp”

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016 số người thất nghiệp của Việt Nam là 1,12 triệu người, chiếm khoảng 2.23%. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ đại học trở lên của cả nước là 3.96%, số liệu này đặc biệt cao ở khu vực thành thị. Việc làm ngày càng ít mà cử nhân, kỹ sư ra trường ngày càng nhiều. Tỉ lệ cung - cầu chênh lệch, khiến không ít sinh viên luôn đau đáu về vấn đề việc làm.

Vừa ra trường cách đây không lâu, cầm trên tay tấm bằng đại học bạn Thuận (Đức Linh) chia sẻ: Mình thấy rất nản vì ngày nào cũng cầm bộ hồ sơ xin việc trên tay rồi đi gõ cửa các doanh nghiệp mà chẳng thấy hồi âm. Mình sợ cảm giác mỗi lần về quê bị mọi người dè bỉu nên mình đã nộp hồ sơ ở Công ty Hải Nam- Phan Thiết, để tìm tạm một công việc, đỡ gánh nặng cho gia đình.  Khác với bạn Thuận, bạn Luyến (Hàm Thuận Bắc) lại nói: Dù đã nộp rất nhiều hồ sơ vào công ty, nhưng một số không trả lời, số còn lại mời đi phỏng vấn thì bị trượt ngay từ vòng  đầu tiên. Vì họ cho rằng  sinh viên mới ra trường như mình thiếu kinh nghiệm, không thể đáp ứng được những yêu cầu công việc. Đành phải nộp hồ sơ vào các xí nghiệp qui mô nhỏ để cầu may.

         
   

   

   Ảnh    Ngọc Lân

Nỗi buồn mang tên “thất nghiệp” không chỉ là nỗi sợ hãi của sinh viên khi mới ra trường mà cả những sinh viên năm cuối cũng cảm thấy lo lắng. Bạn Kim Khánh (Đức Linh, sinh viên năm 4 Trường ĐH KHTN) chia sẻ: Việc làm sau khi ra trường là nỗi lo không ít của các sinh viên năm cuối. Cùng tâm trạng trên bạn Nguyễn Ngọc (Hàm Thuận Bắc, sinh viên năm cuối trường ĐHKHXH&NV) bộc bạch: mỗi lần nghĩ về viễn cảnh sau khi ra trường, mình lại thấy buồn, vì ngành của mình chỉ có một con đường duy nhất là làm nhà nước, nhưng để được bước chân vào nhà nước không phải dễ. Giờ chỉ biết học thêm một ngoại ngữ khác để có cơ hội tìm được việc làm.

“Giải pháp” thất nghiệp!

Với tình trạng sinh viên ra trường ngày càng nhiều nhưng việc làm ngày càng giới hạn. Nhiều sinh viên đã lựa chọn cho mình những “giải pháp” riêng để tránh việc “thất nghiệp” dù rằng ngành nghề ấy không hề liên quan đến ngành đã học.

Là sinh viên năm cuối khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM, Anh Đài (Hàm Thuận Bắc) cho biết: Đây là một ngành không phải dễ xin việc vào các công ty vì số lượng nhân viên dư thừa nhiều, mình xin làm thực tập sinh cho các công ty nhưng phụ cấp thấp không đủ trang trải. Đành phải xin phụ việc ở một shop thời trang để có thể lo cuộc sống. Khác với những bạn trên, Bạn Thảo Linh (La Gi, sinh viên năm cuối Trường ĐH KHXH&NV) nói: Để không phải thất nghiệp, tôi luôn dành thời gian năm cuối để học thêm một ngoại ngữ khác, ngoài ra học thêm các khóa kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình, ngoại ngữ, tin học. Để cơ hội xin việc làm của tôi cao hơn.

Sinh viên với bài toán thất nghiệp đang là một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý, tuyển dụng và cả chính bản thân người trong cuộc. Đến bao giờ những sinh viên sau thời gian rèn giũa trong môi trường đại học sẽ không phải ra trường với gánh nặng thất nghiệp trên vai – Đó vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải!

Tịnh Yên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên Bình Thuận: Lo sợ ra trường “thất nghiệp”