Theo dõi trên

Thao giảng cụm trường có còn phù hợp?

29/11/2019, 17:28 - Lượt đọc: 726

BT- Thao giảng cụm trường là các trường học trong cùng một địa bàn được phân công tạo thành một cụm (từ 2 - 4 trường) để tổ chức thao giảng tiết dạy ở một số môn học. Giáo viên, ban giám hiệu những trường cùng cụm sẽ dự giờ, góp ý tiết dạy của trường bạn. Trên cơ sở đó, các trường sẽ đưa ra các quan điểm chuyên môn của mình nhằm hướng đến những mặt tích cực nhất.

                
Thao giảng chuyên đề tự nhiên xã hội. Ảnh    minh họa.

 Những tiết dạy như “diễn”

Trong thực tế, trường nào đăng cai tiết dạy thao giảng cũng có sự chuẩn bị khá kỹ về nội dung và hình thức dạy học. Đơn giản chỉ vì nhà trường không muốn bị trường bạn chê là dạy dở, hay chuyên môn yếu kém. Bởi, dạy dở không chỉ là tai tiếng cho chính giáo viên dạy mà còn là bộ mặt chuyên môn của cả trường mà đặc biệt là sự chỉ đạo chuyên môn của phó hiệu trưởng. Vì lẽ đó, nhiều tiết thao giảng cụm còn được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” cho những giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn hay giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị trở lên. Lớp được chọn giảng cũng là lớp học khá và có nền nếp tốt so với các lớp trong khối.

Thiết kế bài dạy, ý tưởng triển khai của giáo viên cũng phải được mang ra tổ chuyên môn bàn bạc rồi trực tiếp phó hiệu trưởng thẩm định. Có trường còn chuẩn bị kỹ đến mức cho giáo viên dạy nháp đến mấy lần.

 “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”

Sau mỗi tiết dự giờ xong, các trường tập trung vào hội trường để góp ý tiết dạy. Không có ý kiến góp ý cũng sợ trường bạn chê cười rằng “chẳng biết gì để nói”. Thế là, trường nào cũng đưa ra quan điểm riêng của trường mình. Trường bạn nghe và phản hồi những ý kiến góp ý chưa đồng tình.

Mỗi cụm thao giảng cũng có cụm trưởng, cụm phó. Thế nhưng những người đảm nhận chức danh này cũng chỉ là hiệu trưởng, hiệu phó các trường mà không có chuyên viên cấp trên tham dự. Bởi thế, có những cách dạy, những hình thức triển khai bị góp ý nhưng chẳng ai chịu ai. “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” vì thế, có những ý kiến được ghi nhận nhưng cũng không ít ý kiến bất đồng.

Do không có người “cầm trịch” nên các ý kiến bất đồng thường không được giải quyết rốt ráo. Có ý kiến ghi biên bản để trình cấp trên (cấp phòng, sở) chỉ đạo. Đã không ít lần giáo viên và ban giám hiệu một trường nào đó bức xúc: “Lần sau đừng góp ý gì cho đỡ mệt, cũng chẳng thay đổi được gì mà lại mất lòng”. 

Thao giảng cụm trường có còn phù hợp?

Nếu như trước đây, các tiết dạy đều phải theo một quy trình có sẵn, những ý kiến góp ý được tranh luận và sẽ được người “cầm trịch” chuyên môn gút lại để cùng thực hiện chung thì ngày nay, giáo viên được thoát khỏi sách giáo khoa, được quyền sáng tạo trong tiết dạy sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình, của trường mình. Vì thế, sẽ không có ý kiến thống nhất chỉ đạo chung cho những tiết dạy phải làm thế này mà không được làm thế khác.

Khi lên kế hoạch thao giảng cụm, chắc chắn những người chỉ đạo chuyên môn cấp trên cũng đã rất kỳ vọng rằng thông qua những tiết dạy mẫu, giáo viên sẽ chia sẻ, học hỏi nhau để góp phần tháo gỡ bớt khó khăn, vướng mắc trong chuyên môn. Thế nhưng, học hỏi nhau thì ít mà tạo căng thẳng, áp lực cho nhau lại quá nhiều. Không ít tiết dạy còn mang nặng tính hình thức, diễn nhiều hơn dạy gây lãng phí về thời gian và công sức cho cả người dạy, người học và người dự. Vì những lẽ đó, thao giảng cụm bây giờ có còn phù hợp nữa không? 

Huyền Phan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thao giảng cụm trường có còn phù hợp?