Theo dõi trên

Thời điểm gấp rút cho giáo dục

17/09/2021, 09:02

BT- Chỉ còn vài ngày nữa là các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2021 - 2022. Chuyện các trường học đã trưng dụng làm khu cách ly, chuyện phải học trực tuyến trong điều kiện thiếu máy tính, thiếu sóng… lúc này trở thành thời điểm các địa phương phải tính toán. Ghi nhận ở 2 huyện Bắc Bình, Tuy Phong, một nơi đang là vùng xanh và một nơi chuẩn bị chuyển xanh thì xuất hiện các ca F0 tại 1 xã.

“Trả lại” trường cho em

Đã tới mốc 15/9, thời điểm mà Chính phủ xác định để bắt đầu nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội cho sự quay lại bình thường mới thì Bình Thuận có 2 tin vui từ 2 đô thị, nhất là thị xã La Gi được chuyển sang Chỉ thị 15, ngoại trừ vùng phong tỏa từ 0 giờ ngày 16/9, sau 2 tháng liên tiếp thực hiện Chỉ thị 16. Trong khi đó, ở các huyện khác, quá trình xét nghiệm cộng đồng lần 2 cũng đang diễn ra, còn lần 1 ở 1 - 2 huyện có xuất hiện vài ca cộng đồng, còn lại đều ổn. Hàng trăm khu cách ly y tế, nơi tiếp nhận hàng ngàn F1 và người dân từ các vùng dịch về lại quê, được kích hoạt từ cơ sở vật chất phần lớn là các trường học đã lần lượt được giải phóng. Như tại Bắc Bình, nơi được xem là có lượng người dân về lại quê trong dịch bệnh đông nhất nhì tỉnh, có lúc các khu cách ly chứa đến hơn 1.200 người, trong đó phần lớn đều trưng dụng từ các trường học thì trước ngày 2/9, hầu hết đã được bàn giao lại cho giáo dục sau khi phun thuốc khử khuẩn đảm bao quy định y tế. Chỉ còn 1 trường mới được bàn giao lại vào ngày 15/9. Đến bây giờ, các trường học đã hoàn thành việc vệ sinh trường, lớp, trang trí cảnh quan môi trường trong và ngoài lớp học; đã chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, các khu vực rửa tay cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh khi đến trường, tuyên truyền thực hiện thông điệp 5K. Tất cả đang chờ đến ngày chính thức vào năm học mới tại tỉnh, 20/9.

Còn ở Tuy Phong thì khác, do cách đây hơn 10 ngày sau khi xét nghiệm cộng đồng, xuất hiện 17 F0 và nhiều F1 nên cả xã Phước Thể bị phong tỏa. Cộng thêm chuẩn bị đón 80 người dân Tuy Phong về từ vùng dịch nữa, nâng số người dân đang cách ly tại các khu cách ly lên hơn 300 người nên các trường học đưa vào trưng dụng làm khu cách ly trước đó, giờ chưa thể trả về chức năng là trường học. Theo kế hoạch của huyện, hiện có 5 trường học đang trưng dụng làm khu cách ly gồm 2 trường THPT, 2 trường THCS và 1 trường tiểu học nên huyện đang cố gắng sắp xếp chuyển người còn cách ly về Nhà học tập cộng đồng, nhà văn hóa xã… và sẽ giao lại làm trường học vào cuối tháng 9. Từ đó, Tuy Phong cũng xác định từ 20/9, học sinh ở 5 trường trên sắp xếp học trực tuyến, còn các trường học khác trên địa bàn triển khai học trực tiếp trên lớp với khoảng cách theo đúng quy định phòng chống dịch và học trực tuyến.

Khu cách ly tại Trường THCS Lê Văn Tám, thị trấn Liên Hương, Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân

Trước đó, Tuy Phong cũng như Bắc Bình đều xây dựng 3 phương án học tập dành cho 3 hoàn cảnh trong dịch bệnh. Đó là vẫn còn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; đã cởi bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và dịch diễn biến xấu phải áp dụng Chỉ thị 16. Và nếu ở hoàn cảnh tốt nhất là không còn giãn cách xã hội nữa, chuyện trang bị cơ sở cho học trực tuyến cũng được tính đến như giải pháp dự phòng tốt nhất nhưng cũng vấp vô vàn khó khăn. 

Máy tính cho em

Ở vùng nông thôn như Bắc Bình, Tuy Phong, những nơi mà hiện tại có điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước chưa thuận lợi lắm nên đời sống người dân cũng chưa thoải mái để có thể nối mạng, sắm máy tính, Ipad hay Smartphone, những vật dụng để tham gia học trực tuyến. Vì thế, trong cảnh con em phải học trực tuyến, đó là một bước chuyển quá sức với nhiều gia đình ở vùng khó khăn. Qua một khảo sát mới đây trên địa bàn, huyện Bắc Bình thu về những con số rất đáng ngại để có thể tổ chức dạy học trực tuyến. Đó là học sinh có điều kiện về máy tính/ smartphone kết nối internet ở bậc tiểu học chỉ khoảng 45%, THCS khoảng 53%, học sinh nhà có ti vi/ học trên truyền hình đạt 56%, riêng học sinh lớp 9 được 64%. Còn giáo viên, có máy tính xách tay chiếm 60%; smartphone: 90%, ti vi: 87%). Vì vậy, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả các khối lớp, các môn học tại Bắc Bình sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trường TH Sông Bình, Bắc Bình (ảnh tư liệu). Ảnh: N.Lân

Trước tình hình ấy, Phòng Giáo dục - Đào tạo Bắc Bình đã triển khai thực hiện các giải pháp. Cụ thể, phối hợp với địa phương huy động hỗ trợ các gia đình có học sinh không có đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến, theo hướng bố trí các điểm theo nhóm nhỏ không quá 2 học sinh, theo gia đình, hàng xóm, bạn bè gần nhà có điều kiện học tập. Bên cạnh, phát động trong cha mẹ học sinh, vận động gia đình trang bị các thiết bị như ti vi, máy vi tính, điện thoại có kết nối internet; huy động hỗ trợ của giáo viên, phụ huynh học sinh có các phương tiện nhưng không sử dụng để có thể tặng hoặc cho mượn… Ngoài ra, phát động sự tham gia hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Mặt trận, các đoàn thể huyện, xã, thị trấn trong việc vận động xã hội hóa để tặng, góp các phương tiện cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có điều kiện học trực tuyến. Đồng thời, tổng hợp học sinh khó khăn chưa có đầy đủ thiết bị để học trực tuyến báo cáo Sở Giáo dục - Đào tạo theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng như vận động Công ty VNPT Bắc Bình tài trợ sim có mạng 4G...

Qua vài ngày triển khai đã dự báo, đó là điều rất khó thể hiện trên nhiều mặt, chứ không đơn thuần có sóng hay máy tính, điện thoại thông minh. Huyện đang hy vọng đến 20/9, sau khi xét nghiệm cộng đồng lần 2, không có ca nhiễm thì Bắc Bình đề nghị cho học sinh nhập học trực tiếp tại trường như lúc bình thường. Trong khi đó, Tuy Phong cũng có những vướng víu tương tự trong câu chuyện trang bị phương tiện để học sinh các cấp học trực tuyến. Điều đáng nói, Tuy Phong khó hơn, vì có các F0 và F1 tại xã Phước Thể đang trong quá trình điều trị, theo dõi nên hiện tại chưa nói lên được điều gì là sẽ có thể bước vào bình thường mới, dù các xã, thị trấn còn lại trong huyện đều là vùng xanh. Vì thế, những ngày tới được ví như ranh giới cuối cùng mà các địa phương quyết đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn để trả lại đúng chức năng của trường học cũng như tạo không gian an toàn để giáo dục hoạt động bình thường.    

                       Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời điểm gấp rút cho giáo dục