Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Thời không biên giới 

09/08/2019, 09:27 - Lượt đọc: 54

BT- Hôm dự đám giỗ nhà bạn, tôi ngồi chung bàn với anh em lớn tuổi. Xã giao một hồi cũng quanh về nói chuyện giáo dục, nhưng không thấy ai khen, chỉ thấy chê bai, lại ca ngợi ngày xưa, thời các anh đi học. Trong số họ, người lớn nhất chỉ hơn tôi chừng năm, bảy tuổi, nên tôi không lạ gì chuyện đi học ngày xưa.   

Dưới lũy tre làng

Trước kia, tôi có ông bác rất thương cháu, đứa nào có khả năng làm được việc gì, bác thường động viên và hướng dẫn để làm. Khi tôi học lớp vỡ lòng, thấy bác ngồi đan sọt, tôi lân la lại xem. Bác bảo, gắng học chữ, nhưng cũng phải biết làm mấy việc đan đát để trong nhà có cái dùng, đừng để thiếu, lúc cần phải chạy đi mượn, xấu hổ! Tôi hỏi hồi xưa bác có đi học không? Bác bật cười, cầm cái nan tre khỏ khỏ vào đầu tôi: Có chứ sao không, mà phải ra tận Huế để thi, vất vả lắm. Tôi hỏi Huế có xa không? Bác nói xa lắm, phải qua đèo Hải Vân cao vút tận trời. Tôi kinh ngạc: Vậy bác đụng trời chưa? Đụng rồi! Nó như thế nào hả bác? Bác chỉnh: Gọi ông trời chứ sao gọi nó; à… sờ vào da trời thấy trơn trơn, lạnh lạnh, thích lắm. Tôi thán phục nhìn bác, bác siêu phàm. Tự nhiên trong tôi náo nức dâng lên ước muốn phải được ra Huế để đụng trời. Nhưng khi học hết năm lớp 5 (lớp 1 bây giờ), tôi biết bác nói “xạo”. Sau này thi đỗ tú tài, lần đầu tiên đi Huế nộp đơn thi đại học, khi xe chạy lên đến đỉnh đèo, áp suất không khí loãng, hai tai lùng bùng, tôi chợt nhớ đến chuyện “đụng trời” của bác hồi xưa. Rồi mãi sau này, mỗi lần có dịp qua đèo, tôi lại nhớ, lúc ấy mới ngớ ra, bác nói thế là để kích thích tính tò mò của trẻ con. Tuổi thơ của chúng tôi khuất lấp dưới lũy tre làng như thế để lớn lên, đi học, vào đời. Nhìn lại tuổi trẻ bây giờ, năm, bảy tuổi đã biết sử dụng iPhone, máy tính… truy cập mạng, ứng dụng phần mềm tạo trò chơi, tầm nhìn của trẻ vượt không gian. Điều quan trọng là hướng dẫn cho trẻ cách học.    

Nhiều phương thức dạy học

Vợ chồng anh Việt kiều ở Mỹ về đầu tư mở resort để kinh doanh du lịch ở thành phố trẻ này, có 2 con đang học phổ thông (lớp 8 và lớp 10), nói tiếng Việt lúng túng. Anh đưa chúng về, nhưng tiếp tục học từ xa, tài liệu và bài kiểm tra gửi qua đường bưu điện. Trường học bên ấy yêu cầu phải có một người đang công tác giáo dục ở Việt Nam làm giám thị mỗi lần cho 2 con anh làm bài. Có người giới thiệu, anh đến gặp tôi nhờ giúp. Tôi đồng ý. Cứ đúng kỳ, trường bên ấy gửi về địa chỉ của tôi một bộ đề kiểm tra. Đích thân tôi đem bộ đề đến nhà anh, cho 2 cháu ngồi 2 chiếc bàn riêng, cắt phong bì, giao đề cho chúng, quy định thời gian làm bài. 2 đứa ngồi làm bài rất nghiêm túc, thường làm xong trước giờ quy định. Tôi xếp bài vào bì, niêm phong, cùng cha chúng đến bưu điện gửi bài đi. Đứa lớn học hết lớp 11 thì anh đưa về Mỹ học lớp 12. Đứa em học hết lớp 9 thì trường bên ấy không dùng hình thức kiểm tra làm bài qua bưu điện nữa, mà kiểm tra qua trực tuyến online. Đến nay, hơn 10 năm rồi, 2 cháu ấy đã tốt nghiệp đại học, đi làm ở xứ người.

Tạo điều kiện cho con đến với ước mơ

Anh bạn tôi là bác sĩ, có cô con gái lên lớp 9, ngoài học ở trường, cháu đam mê tìm kiếm để học trên mạng internet, rồi phát hiện một trường phổ thông uy tín – Saint Anthony’s High School, ở South Huntington, New York, với truyền thống lịch sử 86 năm (1933 – 2019) phát triển, một trong số ít 16 trường trung học trên toàn nước Mỹ có trang bị thiết bị siêu hiện đại, đủ các cơ sở vật chất tốt giúp học sinh phát triển toàn diện kiến thức và thể chất, đang thông báo tuyển sinh 20% học sinh nước ngoài/2.800 học sinh của trường. Tìm hiểu quy chế và hướng dẫn nội dung kiến thức ôn thi, cháu xin cha mẹ ghi danh thi vào trường ấy. Thi trực tuyến. Trường yêu cầu trong phòng làm bài thi của cháu phải trang bị webcam – camera, để họ theo dõi quá trình làm bài viết, và vấn đáp trực tiếp qua webcam. Cuối cùng cháu đã hoàn thành tốt bài thi và trúng tuyển. Tháng 5/2019, làm xong thủ tục xuất cảnh, hiện cháu đang ở South Huntington, New York, chuẩn bị vào năm học mới 2019 – 2020. Tôi hỏi ai đưa cháu đi? Anh nói chỉ đưa cháu ra sân bay, nhà trường bên ấy đã cử người đón cháu.  

Chúng tôi nêu vài hiện tượng để thấy việc học bây giờ không biên giới, không còn đóng khung nữa. Nhà trường và phụ huynh hãy tìm biện pháp hữu hiệu nhất để chắp cánh ước mơ cho trẻ bay lên, chứ tỏ ra cao đạo của kẻ bề trên mà ngồi phê phán chẳng có ý nghĩa gì.

 Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Thời không biên giới