Theo dõi trên

Thu phí phụ huynh học sinh cao: Liệu nhà trường có đứng sau?

18/09/2017, 09:11 - Lượt đọc: 5

BT- Năm học mới, mỗi trường, mỗi lớp có mức thu hội phí phụ huynh khác nhau, phụ huynh vẫn ngậm ngùi đóng, dẫu biết rằng số tiền ấy vượt khả năng thu nhập hàng ngày của gia đình.

Hội phí cao ngất ngưởng

Theo phản ánh của các phụ huynh tại Phan Thiết, tại buổi họp đầu năm, chi hội trưởng phụ huynh của lớp 1 đưa ra mức đóng phí 1 triệu đồng; cho rằng trường mới xây, sân trường không có bóng mát cho học sinh ngồi chào cờ, học thể dục, cũng còn thiếu nhiều trang thiết bị khác. Vì thế, phụ huynh nên đóng mức cao mới đủ hoạt động, khoản này sẽ chi vào làm mái che trong sân trường, mua dàn âm thanh, bồi dưỡng cho bảo mẫu, các hoạt động phục vụ cho học sinh như khen thưởng, photo đề kiểm tra, đề thi…

“Tôi cũng là giáo viên cấp 2, hiểu rõ kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh. Tuy nhiên, chi hội trưởng lớp 1 của con tôi đưa ra mức đóng 900.000 đồng thì mới đủ cho các hoạt động của trường mới. Lớp 1 A kế bên thì mức thấp hơn là 600.000 đồng”, chị Nguyễn Thị H. (Phú Thủy) cho biết.

Thực tế, phần lớn trường học thỏa thuận ngầm, mặc định 150.000 – 500.000 đồng/năm (tùy trường) dù nguyên tắc quỹ này là tự nguyện, hội cha mẹ học sinh quản lý và thu quỹ. Hầu hết, phụ huynh đều đóng trong tình trạng tự nguyện theo kiểu bắt buộc từ năm này sang năm khác. Thậm chí, có trường đầu năm đóng 300.000 đồng/học sinh (trẻ); giữa năm học, ban đại diện phụ huynh lớp kêu gọi đóng thêm 300.000 đồng, bởi không đủ chi. Đó là thông tin của một số phụ huynh tại Phan Thiết.

Ngậm ngùi, không dám than

Ghi nhận từ các phụ huynh của nhiều trường, trong một lớp học, khả năng kinh tế của các gia đình không giống nhau, số gia đình có thu nhập cao không nhiều. Tuy nhiên, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm tự bầu chọn Ban đại diện phụ huynh học sinh là “đại gia” sẵn sàng đóng góp nhiều, áp đặt phụ huynh khác. Với các gia đình khó khăn, khoản thu hội phí cao sẽ trở thành gánh nặng, dồn trên vai họ. Theo tâm lý chung, người ta sao mình vậy, không ai dám không đóng phí, không ai dám lên tiếng phản đối, bởi sợ con bị “đì” trong chuyện học hành.

Chị Lê Thành M. (phường Xuân An) chia sẻ: “Làm trong xưởng thu mua thanh long, thu nhập bấp bênh, 150.000 đồng/ ngày. Thanh long đứt lứa thì tôi không có tiền. Với mức đóng hội phí 900.000 đồng/năm, là vượt quá khả năng của gia đình. Để con cái kiếm cái chữ, tôi ngậm ngùi đóng, biết than ai!”.

Trong khi, Điều 10 Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”. Vì thế, dư luận cho rằng: “Liệu nhà trường có đứng sau hay không, với khoản phí đóng góp tự nguyện quá cao như trên?”

Nhà quản lý nói gì?

Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Phan Thiết - Thân Trọng Lê Hà cho biết: “Trước khi vào năm học mới, phòng có văn bản chỉ đạo đối với các khoản thu đầu năm. Đặc biệt, các trường phải làm đúng theo Thông tư 55 về khoản hội phí phụ huynh. Dù Ban đại diện cha mẹ học sinh thu và quản lý hội phí, nhưng nhà trường phải quán triệt Thông tư 55 đến từng chi hội, cũng như giám sát chặt cách làm mỗi chi hội, để kịp thời phát hiện và điều chỉnh ngay. Dùng hội phí để làm mái che trong sân trường, mua dàn âm thanh, bồi dưỡng cho bảo mẫu là không đúng theo quy định của Thông tư 55”.

Số tiền hội phí phụ huynh đóng  phải thật sự tự nguyện, sẽ để ở lớp và trích lại về trường số phần trăm được phụ huynh thống nhất. Với chủ trương xã hội hóa, tùy thuộc mối quan hệ mà Ban giám hiệu trường kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Nhà trường và Ban đại diện phụ huynh học sinh không được nhập nhằng khoản hội phí phụ huynh học sinh và chủ trương xã hội hóa là một. Đó là khẳng định của Phó phòng Giáo dục & Đào tạo La Gi - Đinh Thị Mỹ Hằng.

Là cầu nối đúng nghĩa

Để tránh tình trạng lạm thu như hiện nay ở một số trường, dư luận có 2 luồng ý kiến: Tránh trình trạng “lách luật”, thì sửa đổi Thông tư 55 nghiêm cấm việc thu hội phí của học sinh dưới mọi hình thức kể cả tự nguyện. Hoặc thành lập đường dây nóng để phụ huynh phản ánh khi có trường hợp thu phí vượt khả năng.

Thiết nghĩ, để có khoản phí hoạt động phục vụ đúng mục đích cho học sinh; cũng như tránh lạm dụng thu cao, trước hết mỗi trường có Ban đại diện, chi hội phụ huynh học sinh đúng nghĩa, do phụ huynh tự bầu ra chứ không phải do nhà trường giới thiệu, chỉ định. Ban đại diện này phải tranh thủ được tiếng nói chung của các phụ huynh trong lớp và trong trường. Thực sự là cầu nối giữa gia đình - nhà trường - xã hội với cái nhìn toàn diện, đầy đủ sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên chấp nhận sự im lặng, có quyền từ chối khoản thu vô lý vượt khả năng và mạnh dạn phản ánh tới cơ quan thẩm quyền. Với ngành giáo dục Bình Thuận, cần có chế tài nghiêm khắc với những trường để xảy ra tình trạng “lạm phí”, đồng thời khuyến khích phụ huynh phản ánh khi xảy ra tình trạng như trên.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu phí phụ huynh học sinh cao: Liệu nhà trường có đứng sau?