Theo dõi trên

Thứ sinh và ký sinh

11/09/2020, 11:20

BT- Có 2 học sinh nghe nói trước đây tôi có luyện thi tuyển sinh, đến gặp và xin tài liệu để năm tới ôn thi vào đại học. Khi chuyện trò, một em hỏi tôi về nghĩa “thứ sinh” và “ký sinh”. Bởi các em thấy trên diễn đàn mạng rộ lên phản ứng một MC đài truyền hình dùng cụm từ “ký sinh trùng” nhằm ám chỉ những người lao động -  buôn bán nhỏ lẻ ở các đường phố để kiếm sống.

Muôn mặt sự sống

Nhớ trước đây, khi đọc tiểu thuyết “Suối nguồn” của Ayn Rand, tôi có viết bài cho báo đề cập đến những kẻ “thứ sinh”. Đối tượng “ký sinh” và “thứ sinh” khác nhau. “Thứ sinh” là được sinh ra từ một cái đã có trước, như rừng cây, sau khi đốn thì gốc rễ nó lại đâm chồi mọc tiếp, cũng gọi đó là hiện tượng “thứ sinh”(1). Về mặt xã hội, “thứ sinh” là “những người không quan tâm đến các sự kiện, ý tưởng và công việc”. Họ chỉ để ý đến mọi người. Họ không hỏi: “Cái này có đúng không?”. Mà họ hỏi: “Cái này có phải là cái mà mọi người cho là đúng?”. Họ không phán xét, mà chỉ lặp lại. Không lao động, mà chỉ ra vẻ lao động. Không sáng tạo, mà chỉ khoe khoang. Không có khả năng, mà chỉ có quan hệ. Không có phẩm chất, mà chỉ có thế lực. Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu những người có thể làm việc, nghĩ, lao động và sản xuất ra của cải vật chất? Họ chính là những người sống vì bản thân. Anh không nghĩ bằng bộ óc của người khác, và anh không lao động bằng đôi tay của kẻ khác. Khi anh ngừng khả năng phán xét độc lập, cũng là lúc anh ngừng nhận thức. Ngừng nhận thức cũng có nghĩa là ngừng sống. Những kẻ “thứ sinh” thì không biết thế nào là thực tại”(2). Đó chính là điểm nguy hiểm nhất cho cộng đồng khi xuất hiện và tồn tại những “thứ sinh” trong xã hội.

Còn “ký sinh” (寄生) là từ Hán Việt, “ký” có nghĩa “nhờ vả”, “sinh” có nghĩa là “sống”; thuật ngữ “ký sinh” được hiểu là “sống nhờ”. Trong Từ điển tiếng Việt giải nghĩa “ký sinh” (động vật) sống trên cơ thể của sinh vật  khác, hút chất dinh dưỡng từ cơ thể các sinh vật ấy(3). Ký sinh có cả trong động vật và thực vật. Những động vật ký sinh điển hình như các loài giun, sán ký sinh trong ruột vật chủ; chấy, rận, ve ký sinh ngoài da vật chủ. Những thực vật ký sinh điển hình như các loài dây tầm gửi, dây tơ hồng(4). Còn “ký sinh trùng” là những động vật bậc thấp ký sinh trong cơ thể người hay động vật khác trong một giai đoạn của chu kỳ sống, như ký sinh trùng sốt rét…(5).

Các nhà sinh học nghiên cứu và phân ra thành nhiều loại từ ký sinh bậc thấp đến ký sinh bậc cao. Trong đó có 2 loại ký sinh (bậc cao) khá độc đáo, đó là “ký sinh nuôi dưỡng” (brood parasite), là những loại động vật thể hiện đánh lừa và trao con cái cho động vật khác nuôi dưỡng, như chim tu hú – tú hú không làm tổ mà chờ cho cà cưỡng lót ổ xong thì lẻn vào đẻ trứng, việc ấp cho trứng nở rồi tìm mồi nuôi con giao toàn bộ cho cưỡng. Còn có loại “ký sinh ăn cướp” (kleptoparasitism) là loại động vật thường cướp thức ăn mà kẻ khác kiếm được. Điều này thường xảy ra ở trong nội loài (intraspecific) hoặc giữa các loài (interspecific) có chung kiểu thức ăn mà việc kiếm được có nhiều khó khăn. Ví dụ các chim cướp biển cướp cá của chim biển khác, chim cốc biển (frigate) cướp cá của chim điên chân đỏ (booby, chim khờ?). Các thú như sư tử, báo, linh cẩu, gấu... thường cướp mồi khi kẻ có mồi đang ở thế yếu. Loài người cũng được xếp một ghế trong dạng ký sinh này do các hành vi cướp bóc ngoại và nội loài (6). 

Biết thì thưa thốt… (tục ngữ)

Như vậy, những người lao động – buôn bán nhỏ lẻ ở các đường phố là người đã bỏ công sức lao động của chính mình ra để kiếm sống – tuy còn gặp khó khăn, gian khổ, nhưng đó là cách sống chân chính, họ không phải là những đối tượng “thứ sinh”, hay dạng “ký sinh”, kể cả “ký sinh nuôi dưỡng” hoặc “ký sinh ăn cướp”, càng không phải “ký sinh trùng”, trong hoàn cảnh gieo neo, vất vả, họ đem sức lực của chính mình lao động để tự nuôi sống, cần được quý mến, trân trọng.

Trao đổi với 2 cậu học trò đến đây, tôi chợt nhớ có lần nghe một giáo sư ngôn ngữ nói trong một chuyên đề khi có một báo cáo viên nói sai, ông nói, dù anh là ai, nhưng khi đứng trước ống kính truyền hình để phát biểu, tức là anh đang nói với quốc dân đồng bào đấy. Cho nên phải hết sức thận trọng trong từng câu chữ, chứ không được cẩu thả khi dùng từ. Còn nếu không biết thì im lặng. Nhiều khi không hiểu hết nghĩa của từ mà dùng nó không chính xác trong ngữ cảnh nhất định trước công chúng, như vậy không chỉ xúc phạm đến đối tượng anh đề cập mà còn xúc phạm đến cả người nghe, nghĩa là anh xúc phạm với quốc dân, đồng bào.

Võ Nguyên

(1), (3), (5) Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992. (2) Suối nguồn (Fountainhead) của Ayn Rand 1905 – 1982, bà là nhà văn, nhà triết học người Mỹ gốc Nga; nhóm dịch: Vũ Lan Anh, Đặng Quang Hiếu, Vũ Hoàng Linh, Nguyễn Kim Ngọc, Trần Thị Hà Thủy, Nxb Trẻ, quý II 2012. (4), (6) Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ sinh và ký sinh