Theo dõi trên

Thuận và câu chuyện Khởi nghiệp  

24/08/2018, 08:41

Gian nan con đường khởi nghiệp

BT- Câu chuyện về em Bùi Viết Thuận, khu phố 8, thị xã La Gi từ bỏ công việc trồng rau sạch để xuất cảnh lao động ở Trung Quốc do đồng vốn hạn hẹp đang là vấn đề cần bàn cho lớp trẻ khởi nghiệp hôm nay.

 Thuận có một đam mê kì lạ với nghề trồng rau sạch. Em có thể ngồi hàng giờ chỉ nói về kĩ thuật trồng và chăm bón rau sao cho đạt chất lượng. Hoặc có thể ngồi nghe hàng ngày ai đó truyền đạt kinh nghiệm làm vườn, cách xử lý làm sao cho cây khỏi bệnh.

Từ mảnh vườn bỏ hoang, cỏ cây um tùm, nước non cạn kiệt, bằng sự quyết tâm  và bàn tay của Thuận, khu vườn hồi sinh sau đó và khá đẹp mắt. Và Thuận, sau  nhiều ngày nhọc công ăn ngủ ngay tại vườn làm rau, những hàng rau xanh mơn mởn đến lúc thu hoạch. Nhưng rau sạch của Thuận lại không được người tiêu dùng đón nhận bởi giá rau cao hơn bình thường chút ít... Sản phẩm khó bán, Thuận rơi vào thế khó, khi đồng vốn khó thu hồi mà nợ vay lại mỗi ngày một tăng. Cuối cùng, Bùi Viết Thuận đóng cửa vườn,  chọn con đường đi lao động bên Trung Quốc. Thuận nói qua điện thoại với tôi: “Cháu  đóng cửa vườn nhưng không đồng nghĩa là từ bỏ. Cháu sẽ làm lại khi  có chút vốn trong tay. Chỉ là chậm lại một chút thôi”.

Thuận nói rằng, thất bại như ngày hôm qua có nhiều nguyên nhân. Để đầu tư một khu vườn trồng rau sạch đúng nghĩa, phải có đồng vốn cố định. Do gia đình quá nghèo, khởi nghiệp chỉ hai bàn tay trắng nên vốn liếng chủ yếu là đi vay. Dù may mắn được sự trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội La Gi với lãi xuất thấp nhưng nguồn vốn vay có hạn. Tiền vay tín dụng, vay ngoài lãi xuất lại khá cao. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, trả nợ tiền vay hàng tháng luôn là nỗi lo, nỗi khắc khoải khi rau sạch làm ra không bán được, không được người tiêu dùng chào đón. Đã vậy khi đưa rau vào siêu thị, thì siêu thị không lấy cố định một ngày bao nhiêu  để có kế hoạch chuẩn bị. Lúc nào bán hết, siêu thị mới gọi điện. Trước nhu cầu bất thường, Thuận không đáp ứng được.

Cuối cùng em  chọn cách giao rau tận nhà cho những gia đình có nhu cầu đặt trước. Khi nhận được đơn đặt hàng từ khách, một tuần em sẽ giao rau 2 lần để đảm bảo độ tươi ngon. Cuối tháng, Thuận mới nhận tiền một lần. Mỗi bó rau chỉ cao hơn thị trường 2 ngàn đồng nhưng phải đem đến tận nhà, chưa kể chuyện lấy tiền cũng khá nhiêu khê. Người không có nhà, người hẹn, người lại nợ. Thuận chua chát nói rằng “đến giờ con không dám nhìn vào cuốn sổ nợ vì khá nhiều”.

Kếu thúc buổi trò chuyện qua điện thoại, câu nói của Thuận làm tôi nhớ mãi “con đi rồi con sẽ về, sẽ viết tiếp ước mơ mà mình chưa thực hiện được. Con mới 22 tuổi đầu, còn cả quãng đời dài phía trước. Cú vấp  này sẽ cho con rất nhiều kinh nghiệm cho lần lập nghiệp sau”.  

Quỹ khởi nghiệp,  sao không?

Công bằng mà nói, thất bại của Thuận hôm nay chủ yếu do em thiếu nguồn vốn để đầu tư. Từ câu chuyện buồn của Thuận, chúng tôi chợt nghĩ đến mỗi địa phương sao không thể tổ chức  “quỹ khởi nghiệp”  cũng như liên kết với một số nhà hảo tâm, nhà đầu tư dành cho những người trẻ có khát vọng, đam mê như Thuận? Ai muốn nhận quỹ này, sẽ phải trình lên bản kế hoạch về việc phát triển kinh doanh của mình cho Hội đồng thẩm vấn xét duyệt. Nếu kế hoạch khả thi, thuyết phục được nhà đầu tư sẽ nhận được sự giúp đỡ và tài trợ không lãi xuất.

Có thế chúng ta mới khuyến khích được lớp trẻ mạnh dạn trong làm ăn và như thế mỗi địa phương mới có nhiều “quả ngọt” để hái. Bất cứ ở đâu, và bất cứ ngành nghề gì, muốn có quả ngọt phải biết gieo trồng, chăm sóc. Nếu để cây tự lớn, quả tự chín… rồi nhận về phần mình công chăm sóc thì… ai làm cũng được, cũng như không hề … căn cơ !

Phan TuyẾt



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuận và câu chuyện Khởi nghiệp