Theo dõi trên

Thương lắm các trường học vùng lũ

19/11/2020, 14:06 - Lượt đọc: 96

BTO- Từ những hình ảnh tan hoang nơi vùng lũ đã thôi thúc tôi lên đường đến với miền Trung nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người dân vùng lũ. Chuyến đi đầu tiên vào ngày 16/10 ngay thời điểm miền Trung đang trải qua cơn bão số 8, lại đối mặt với nhiều cơn bão mạnh ngoài khơi tiếp tục vào. Mưa vẫn mù mịt nhiều ngày không ngớt, nước vẫn dâng cao làm cô lập nhiều nơi. Mặc dù chân tôi không được khỏe mạnh như bao người, hơn nữa đến những nơi đỉnh điểm của cơn đại hồng thủy sẽ khá nguy hiểm với bản thân.

Song, nghĩ đến khúc ruột miền Trung đang oằn mình trong lũ dữ, lại thôi thúc tôi cùng đoàn từ thiện Bình Thuận phải đi ngay. Khi đến nơi, tận mắt chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên đối với người dân miền Trung mà trong lòng quặn thắt. Từng sinh ra và lớn lên ở vùng đất khắc nghiệt này, từng trải qua rất nhiều cơn bão, lũ của quê nhà, nhưng khi nhìn thấy hình ảnh những đứa bé lấm lem cầm cặp táp dính đầy bùn, nước mắt giàn giụa khi phơi lại những quyển sách, cuốn vở đầy bùn đất khiến tôi không cầm được nước mắt, cảm xúc ấy thôi thúc tôi tiếp tục vận động dụng cụ học tập, quần áo, dày dépcho các em nơi vùng lũ này. 

                       
      Sách vở đã lấm lem bùn, đất.

 Người miền Trung thường nói “nước lụt, lút cả làng”, lụt không chừa nhà nào, trong đó có hàng ngàn giáo viên và học sinh nơi đây. Lụt cũng cuốn trôi hết những bộ áo dài, những dụng cụ dạy học mà ngày ngày các cô lên lớp. Thầy Trần Hữu Khương – Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS Cam Tuyền (Quảng Trị) tâm sự: Tại điểm trường Bản Chùa, nhiều giáo viên và học sinh phải ăn mì tôm nhiều ngày liền bởi lúc ấy nước tràn về, xói lở, đường bị chia cắt, thương các cô, các cháu lắm nhưng bất lực vì sự hung hãn của lũ lụt.

Hết lụt, trường phải huy động hàng chục chiếc xe múc, xe ben rồi thầy và trò cùng nhau dọn hết lớp bùn non dày gần nữa mét. Nhìn những giáo viên, học sinh lấm lem mặt mày mà thương! Cơn lũ đi qua, các em lại đến trường, các thầy cô lại lên lớp, sách vở đâu mà học, áo quần đâu mà mặc. Cô Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã bật khóc khi chứng kiến cảnh tan hoang của Trường mầm non xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

 Trong chuyến thiện nguyện tại nơi này, dù khá nhiều nguy hiểm, nhưng chúng tôi cố gắng phải vào được nơi bị thiệt hại nặng nhất đó là Trường mầm non Hướng Việt. Từ thị trấn Khe Sanh đến điểm trường chưa đầy 60 km nhưng đoàn di chuyển gần 6 tiếng đồng hồ. Gần tới nơi, do lớp đất đỏ dày, tài xế không thể nào điều khiển xe theo ý muốn, cũng may trên xe có sợi dây xích để quấn vào lốp mới có thể di chuyển, còn xe ô tô 7 chỗ phải cần sức đẩy của cả đoàn mới lùi lại nơi an toàn.

Đến xã Hướng Việt, nhìn cảnh tượng trường lớp, người dân trong bản ai nấy thốt lên: “Bây giờ dân sống sao đây trời! Không thể tưởng tượng nổi”. Đất cát đã san lấp hết mọi thứ, nơi đây hàng chục ngày bị chia cắt, họ sống lay lắt nhờ những gói mì tôm chuyển từ Quảng Bình vào theo đường Hồ Chí Minh vận chuyển theo đường vòng cả 300 km.

                
      Chiếc cặp bị bùn bám chặt.

Anh Trần Xuân Ánh, một người đi trong đoàn khi đến đây cũng òa khóc như một đứa trẻ con khát sữa. Họ quý quà tặng, họ cần quà tặng lắm. Chúng tôi vừa trao mấy cái bánh chưng, chưa kịp nhắn nhủ hấp lại cho nóng thì bà con đã mở ra ăn ngay. Chắc đó là những thứ xa xỉ đối với họ trong những ngày bị cô lập bởi sạt lở.

Rời Hướng Việt, chúng tôi đến với Trường THCS Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, trận lụt vừa qua, nước ngập hơn nửa bức tường của trường. Học sinh nơi này đa phần là con em của đồng bào dân tộc thiểu số.

 Thầy Trần Ngọc Định – Hiệu trưởng Trường THCS Lao Bảo là người trong thời gian qua đã tận dụng tất cả các mối quan hệ, bạn bè, người thân để kết nối đưa hàng cứu trợ về cho trường mình. Tôi cũng là một trong những người đi theo lời kêu gọi của thầy. Cứ tưởng là trường thị trấn ít học sinh nghèo, không ngờ, trong một trường cấp 2 lại có đến 200 em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học lớp 9 mà cứ ngỡ như là lớp 4. Đã có 1.000 cuốn vở cùng 150 chiếc áo trao đi không đủ cho 200 học sinh khó khăn, 782 học sinh còn lại của nhà trường chúng tôi đành “nợ” với các em.  

                
      Trao sách, vở, áo ấm cho các em đến trường.

Tạm biệt Trường THCS Lao Bảo, đoàn tiếp tục đến với Trường TH - THCS Cam Thành, huyện Cam Lộ. Cô Lê Hoàng Ngân – Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Trường có rất nhiều giáo viên có nhà bị ngập nước trong nhiều ngày, áo quần, giáo án, dụng cụ dạy học bị hư hết. Thương cô, thương trò nhưng giờ không tìm ra cách khắc phục, chỉ biết động viên nhau vượt qua hoàn cảnh”. Ngoài 3.000 cuốn vở, chúng tôi đã tặng thêm 3 triệu đồng để phụ trường khắc phục sau lũ lụt.

Nếu Hướng Việt bị san bằng bởi đất đá sạt lở thì Triệu Thượng, Triệu Phong bị chìm trong biển nước. Khi chúng tôi đến, mặc dù các nơi khác đã khắc phục, khô ráo nhưng nơi này thì nước vẫn còn ngập cao, giáo viên đi dạy phải ngồi đò 14 km mới đến được trường. Một trường cấp 1 có tới 5 điểm trường, điểm nào cũng bị ngập, thương nhất là các cháu trường mầm non, lụt trôi hết chăn màn, trưa ngủ các cháu nằm co ro trên những chiếc chiếu lót dưới nền nhà ẩm ướt. Cũng may mắn cho chúng tôi có chị Đinh Thị Thu Hà gởi tặng 200 cái chăn nên tặng ngay cho các cháu để đỡ phải lạnh lẽo, đỡ phải bị bệnh.

                
      Một ngôi trường bị ngập trong bùn đất.

Mỗi nơi mỗi hoàn cảnh, mỗi nơi có những thiệt hại riêng nhưng chung quy lại, từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Thừa Thiên Huế, năm nay là một năm bi kịch lớn đối với người dân vùng này, trong đó có giáo viên và học sinh. Chúng tôi đến trao hàng chục ngàn phần quà, hàng chục ngàn cuốn vở, hàng ngàn đôi dép, hàng trăm chiếc áo ấm nhưng cảm thấy quá ít so với những gì các trường học vùng lũ đang cần. Nhìn những nụ cười rạng rỡ của học sinh khi nhận vở, niềm vui của các cháu khi được thay áo mới khiến cho chúng tôi ấm lòng.

                
      Các cô giáo xắn quần dọn bùn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cận kề nhưng có lẽ năm nay các cô, các thầy vùng lũ không có ngày Hiến chương Nhà giáo, không có những bông hoa tươi thắm từ các học trò thân yêu kính tặng. Bởi tất cả đã dồn hết tâm, hết lực cho việc khắc phục hậu quả để nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, giáo viên lên lớp. Dù vậy, nhưng tôi nghĩ với những hình ảnh xắn quần cào bùn, quét dọn trường lớp,  tay chân, mặt mũi dính bùn non thì các cô thầy xứng đáng nhận được triệu bông hoa tươi thắm từ đồng nghiệp, từ mọi miền đất nước hướng về các cô, các thầy.

Ghi chép: Trần Ngọc Tỵ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương lắm các trường học vùng lũ