Theo dõi trên

Tiếp lửa cho em

14/06/2019, 09:05

 BT- Tiếp xúc với một số thầy cô, họ bảo rằng, học trò bây giờ không thích học văn, lười đọc sách, làm cho tâm hồn nghèo nàn, xơ cứng, nhiều em vô cảm trước cuộc đời. Có thật vậy không ?

                
Trao giải cho các em. Ảnh: Xuân Hải

 Giáo dục đào tạo không phải là khuôn đúc

Chúng tôi không hoàn toàn phủ nhận ý kiến của thầy cô, nhưng đặt lại vấn đề, vì sao như vậy? Thật ra, không phải học sinh nào học văn rồi đều giỏi văn chương, theo mong muốn của thầy cô, bởi mỗi em có một năng khiếu, một tư duy, một sở thích riêng. Điều quan trọng là qua học văn, giúp các em từng bước thấm dần, bồi đắp cho tâm hồn thêm phong phú, để các em biết vui, biết buồn, biết yêu thương và căm giận, biết tự hào và biết ăn năn, xấu hổ, biết sẻ chia, trợ giúp, biết mang ơn và nhận lỗi, biết thù ghét sự xấu xa, tàn ác và biết nâng niu che chở, bảo vệ cho cái đẹp, thiện lành… Mong được như thế là quý lắm rồi, mà đó cũng chính là chức năng, đặc trưng bộ môn văn mới làm được, nó cao sang khác với các bộ môn khác là chỗ ấy; chứ làm sao yêu cầu đã học văn thì đều phải giỏi văn. Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại, những em có năng khiếu văn chương, nhưng học qua chương trình phổ thông, năng khiếu, đam mê ấy trở nên lu mờ, khuất lấp! Thật nghịch lý! Theo chúng tôi tìm hiểu từ phía học trò, thấy rằng không ít thầy cô chưa khơi dậy, chưa đốt lên ngọn lửa đam mê để tiếp sức cho các em.

 Đừng để lụi tàn mang tội với tương lai

Vừa qua, chúng tôi có tham dự “Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò”(*) dành cho những học sinh có năng khiếu và yêu thích thơ văn vừa học xong chương trình lớp 10 và lớp 11 trong tỉnh. Khi đọc những sáng tác của các em, mới vỡ ra, về nhận thức, tâm hồn của các em được biểu hiện theo từng góc cạnh, đa mang với những mảnh đời của những con người số phận, cảm xúc biểu đạt của các em đa chiều, ân tình, sâu lắng qua từng trang viết. Trong một truyện có những tình huống làm cho người đọc nặng nỗi suy tư thân phận con người: Kể rằng, hai chị em sống trong một làng quê nghèo khổ, lại đầy bất công – từ gia đình đến làng xã, bị coi thường, bị đánh đập dã man, nên tìm cách trốn thoát, lên thành phố, đi tìm ánh sáng tương lai. Khai báo với cơ quan chức quyền, họ kiểm tra, xác nhận thương tích dọc ngang khắp thân thể; phóng viên đến chụp hình, đưa tin lên báo, nói lên mảnh đời cơ nhỡ, thương tâm, bơ vơ, không người giám hộ. Các trang mạng xã hội nhảy vào, sẻ chia, thương cảm, có người tuyên bố sẽ nhận làm con nuôi. Hai chị em phấn khởi đợi chờ. “Tưởng rằng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp. Chúng tôi chờ người nhận nuôi, chờ mãi, chờ đến khi chúng tôi không còn xuất hiện trên báo và mạng nữa. Độ “hót” đã giảm, những người nói muốn nhận nuôi chúng tôi bặt vô âm tín. Lúc ấy tôi chẳng hiểu tại sao, sau này mới biết, không nên tin vào những người chỉ biết núp sau màn hình điện thoại hay máy tính rồi múa tay trên bàn phím được. Lời nói suông không cứu được người. Chúng tôi đành phải kiếm kế sinh nhai”. (Bóng tối – Ngô Thị Hân, lớp 11). Dĩ nhiên truyện còn dài, nói về những nghiệt ngã khốc liệt của hai chị em về sau. Có học sinh làm thơ, cảm xúc khi sống xa nhà, mới nhận ra tình cảm ấm áp của cha mẹ ở quê, nơi có những lũy tre “Tạo bóng mát che tâm hồn ngày đêm rám nắng” để “Tuổi thơ không chơi vơi lạc lõng” và nhận ra “Gia đình luôn là tấm lưng cõng con vượt chặng đường xa” (Tuổi nhớ - Lê Văn Hoài Phong, lớp 10). Trên là đơn cử vài ví dụ trong 24 bài thơ, 17 truyện ngắn, tùy bút của 22 học sinh về dự trại, đề tài khai thác rất phong phú, để thấy rằng, cái nhìn, suy nghĩ, cảm nhận, cách biểu đạt cảm xúc về tình đời, tình người của các em học sinh lớp 10, 11 đã trưởng thành, sâu lắng, mang đậm tinh thần nhân đạo. Nghĩ rằng, có năng khiếu và đam mê văn chương mới có được những trang viết sáng ngời nhân văn, chín chắn về nhận thức, biết chọn lọc hình ảnh, câu từ trong biểu đạt như thế. 

Qua tìm hiểu, những học sinh tham dự trại vừa rồi có sáng tác hay là rất may mắn nhờ được học với những thầy cô biết phát hiện, có phương pháp bồi dưỡng đúng hướng, biết cách tiếp lửa cho các em bừng cháy lên niềm đam mê để phát huy sở thích, năng khiếu của mình. Với những học sinh này, ai dám bảo tâm hồn họ nghèo nàn, xơ cứng, vô cảm trước cuộc đời.

    
     (*).   “Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò” hè 2019 do Hội Văn học Nghệ thuật,   Sở Giáo dục – Đào tạo và Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại   khu du lịch Mũi Né.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp lửa cho em