Theo dõi trên

Trao đổi: Những lưu ý khi làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia

15/06/2018, 08:52

BT- Cô Trịnh Thị Huệ là giáo viên văn Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi). Qua nhiều lần chấm thi, cô Huệ thấy cần phải lưu ý học sinh một số điểm trong khi làm bài thi tốt nghiệp.

Phần đọc hiểu

Bài thi Ngữ văn sẽ gồm 2 phần chính: Đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu là phần thi dễ lấy điểm nhất nhưng khá nhiều học sinh khi làm phần này đã trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi,  không đúng ý. Để đạt điểm tối đa phần này, cần  trả lời ngắn gọn, súc tích.

Ví như người ta hỏi “anh chị có đồng tình với ý kiến này không?” chỉ cần câu trả lời có một từ “có” hoặc “không” là được ngay 1,25 đến 1,5 điểm. Nhưng khá nhiều em không trả lời mà đi vào lý giải ngay và dĩ nhiên mất luôn số điểm ấy.

Hay câu “anh chị hãy xác định phương thức biểu đạt chính (hoặc chủ yếu)”? Với yêu cầu này, học sinh phải hiểu rằng “chính” hoặc “chủ yếu” chỉ có duy nhất một nhưng nhiều em lại ghi từ 2 phương thức biểu đạt. Khi chấm gặp những bài làm như thế, giám khảo thường không cho điểm vì cho rằng thí sinh hiểu mơ hồ, không biết cái nào là chính, là chủ yếu. Nhưng nếu gặp câu hỏi: “Những thao tác, lập luận nào…?” thì  mới ghi từ 2 thao tác trở lên.  

Trong phần viết đoạn văn bắt buộc phải có phần giải thích, phần bình luận và phân tích. Lưu ý, nếu thiếu một trong những phần ấy sẽ bị mất điểm.

Ví như viết đoạn văn bàn về câu hỏi “hạnh phúc là sự trở về”. Trong bài làm của mình, phải có sự giải thích 2 từ “hạnh phúc là gì”, “trở về là gì?”, giải thích xong từ ngữ, giải thích từng ý mới giải thích cả câu nói ấy nói gì? Xong xuôi mới đi vào phân tích, chứng minh vấn đề đúng hay sai? Sai thế nào? Có dẫn chứng minh họa…

Phần rút ra bài học cho bản thân cần thực tế, gần gũi đúng với suy nghĩ nhận thức lứa tuổi đừng nên viết cái gì cao siêu quá, xa rời thực tế và sáo rỗng sẽ khó lấy được điểm của giám khảo.

Lưu ý khi làm bài thi phần nghị luận xã hội

Đây được xem như phần khó nhất của bài thi Ngữ văn. Thường đề được phân theo 2 mức độ cơ bản và nâng cao. Phần cơ bản dành cho học sinh chỉ cần đạt 5 - 6 điểm để đủ điểm tốt nghiệp. Phần nâng cao tuy chiếm khoảng 30 - 40% bài nghị luận văn học nhưng nó quyết định bài làm có đạt mức điểm giỏi hay không.

Khi so sánh, liên hệ giữa hai tác phẩm, các em cần tìm ra những điểm giống nhau như giống về đề tài, về cảm hứng, hay về phong cách, nghệ thuật, về cách nhìn của nhà văn…

Từ đề thi thử vừa qua, phần lớn học sinh khi làm phần mở bài đã không đạt yêu cầu vì các em chỉ nói về một tác giả, tác phẩm. Tác giả còn lại các em để mãi phần sau mới đề cập tới. Bởi thế, phần mở bài sẽ bị thiếu, chưa đạt yêu cầu. Khắc phục tình trạng này, học sinh cần lưu ý ngay từ phần mở bài phải giới thiệu được cả 2 tác giả, từ tác phẩm lớp 12 liên hệ tác phẩm lớp 11…

Bài văn nghị luận phải đảm bảo được sự liên kết về ý, liên kết câu tránh việc trình bày rời rạc, lan man. Và cuối cùng bài viết cần trình bày sạch đẹp để giám khảo có cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Một thực tế cho thấy, thời gian chấm thi tiết trời nắng gắt, áp lực công việc chấm khá cao nhưng cầm một bài văn với chữ viết nguệch ngoạc giám khảo khá khó chịu và không muốn đọc.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao đổi: Những lưu ý khi làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia