Theo dõi trên

Trữ tình ngoại đề (*)

14/08/2020, 09:01 - Lượt đọc: 54

BT- Tôi với anh, cả 2 đã về hưu, gặp nhau thường nhắc những kỷ niệm vui buồn, chuyện chuyên môn thời đi dạy. Nhìn mái tóc bạc phơ nhưng chẳng thấy anh già, bởi lúc nào anh cũng sôi nổi, nhiệt tình, nói chuyện thường tiếu lâm, nhưng nhiều khi triết lý vô cùng thâm thúy. Anh bảo, qua một đời đi dạy, bây giờ gặp lại học trò, kiến thức chúng nhớ về nội dung tiết dạy của mình lâu nhất hóa ra thường là những “trữ tình ngoại đề”. Nhận định của anh làm tôi chợt hồi tưởng. 

                
Ảnh minh họa.

Gặp lại chính mình

Hồi năm lớp 11, tôi được học môn vạn vật (bây giờ là sinh vật) với người thầy có đôi mắt gợi cảm, thu hút ánh nhìn của người khác để truyền cảm xúc. Khi ấy tôi học ban C, môn vạn vật cũng như môn vật lý, hóa học không phải môn chính ban, điểm thi 3 môn này hệ số 1, nhưng chúng tôi rất thích học giờ vạn vật, vật lý, hóa học của quý thầy. Khi lên lớp, thấy thầy chỉ cầm có viên phấn, không giáo án, không sách giáo khoa. Không biết dạy ở các ban A, B thế nào, chứ dạy ban C (ban văn chương) chúng tôi, thầy dạy vạn vật thường dành khoảng 10 phút để “trữ tình ngoại đề” kết thúc bài giảng – về một vấn đề, một mẩu chuyện gắn với nội dung bài học. Hôm dạy về sinh lý của hoa, cuối tiết học, thầy nói người ta chiết xuất hương hoa để làm dầu thơm, một chất liệu làm đẹp cho đời mỗi khi giao tiếp với người khác, rất được nữ giới ưa chuộng, bởi hương nước hoa tăng thêm sự quý phái, sang trọng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng mùi hương thơm quyến rũ ấy lại là chất thải của hoa – nói chất thải là biết gì rồi khỏi cần giải thích. Hoa đẹp, hương thơm, thế mà có thể làm chết người đấy. Chuyện kể rằng, có kẻ giàu sang nọ chán đời đến mức không còn thiết sống, họ đặt những chậu hoa đầy phòng, đóng kín cửa, trải drap, nằm hít thở mùi hương để nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ không bao giờ thức dậy – bởi trong hương hoa có chất cacbon dioxit (CO2) khi quá liều dẫn đến ngất lịm, ngạt thở, đó là cách tự tử êm đềm. Rồi thầy nghiêm giọng, chỉ biết thế thôi, chứ học trò của tôi sẽ không ai có ý tưởng ngông cuồng ngu đần đáng phỉ nhổ đến thế bao giờ.

Lại nhớ thầy dạy vật lý, có lần mở đầu bài học, kể rằng: Có một làng nọ trong rừng sâu, đời sống còn rất man di. Một hôm anh chồng tình cờ lượm được một chiếc gương soi, nhìn vào thấy khuôn mặt mình trong đó. Lúc đầu anh hoảng hốt, nhưng sau nhìn lại thấy thích thú, lau chùi sạch sẽ, đem về nhà cất kỹ trong buồng, thỉnh thoảng một mình vào lấy ra soi. Nhiều lần thế, người vợ phát hiện, đợi chồng đi khỏi, cô vào lấy tấm gương ra xem. Cô kinh ngạc thấy một người phụ nữ ở trong đó, thế là la khóc bù lu lên. Mẹ chồng nghe, chạy vào hỏi chuyện gì mà làm ầm lên như vậy? Cô ấm ức nói, chồng con đem cái con này về giấu trong buồng, nên mỗi khi về đến nhà là lẻn vào chơi với nó. Mẹ chồng bảo, đưa tao xem. Khi bà nhìn vào gương, bà la lên, trời đất, mày ghen gì mà ghen lạ lùng thế, chồng mày mà đi mê cái mụ già mặt mày nhăn nheo, miệng móm, răng rụng trụi lủi hết cả như thế này được hay sao! Cả lớp cười ầm, thầy khoác tay ra lệnh im lặng: Hôm nay học bài về hiện tượng phản xạ ánh sáng, ảnh ảo bằng vật. Theo toán học, đó là phép đối xứng qua mặt phẳng, mà phép đối xứng qua mặt phẳng là một phép dời hình bảo toàn khoảng cách giữa 2 điểm bất kỳ… 

Gần như quy luật

Nghe tôi kể lại 2 mẩu ký ức trên nhằm hưởng ứng với anh khi nói gặp lại học trò cũ, nội dung chính bài dạy chúng chẳng nhớ được bao nhiêu, mà những chuyện bên lề lại nhớ rất kỹ. Anh bạn gật gù, ừ nhỉ, ngẫm lại chính bản thân bọn mình cũng thế, những tiết học như vậy đã nửa thế kỷ trôi qua rồi, mà cứ đọng lại không quên. Nay bắt gặp ở học trò, rồi ngẫm lại với chính mình, có những gặp gỡ trùng hợp giữa các thế hệ khác nhau. Nên chăng, cần lưu tâm nghiên cứu, xem đấy như một phương pháp cho người truyền đạt giúp người nghe khắc sâu vào ký ức để nhớ lâu dài. 

Võ Nguyên

(*) Trữ tình ngoại đề, mượn một thuật ngữ văn học để nói về những biểu đạt – trình bày bên lề trọng tâm bài giảng của thầy giáo.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trữ tình ngoại đề (*)