Theo dõi trên

Tủ sách nhân ái

26/03/2021, 14:57

BT- Hôm ngồi uống cà phê, thấy tôi ngồi đọc cuốn sách của một tác giả địa phương, mấy thầy giáo hỏi, tôi nói bên tạp chí Văn nghệ đặt cho tôi viết bài về tác giả này, nên tranh thủ thời gian đọc. Một thầy giáo cười nói, có người lên bục hô hào xây dựng phong trào văn hóa đọc, nhưng mấy khi thấy họ cầm cuốn sách để đọc! Thầy ngồi bên cạnh tỏ ra thông cảm, nói rằng các sếp hàng ngày đọc hàng đống công văn, rồi phê duyệt, thời gian đâu đọc sách. 

Một cách tổ chức

Nghe họ trao đổi như vậy, tôi chợt nhớ đến trước đây tôi có viết về tình hình xây dựng phong trào văn hóa đọc trong trường học, không biết phong trào ấy phát triển đến đâu, nên quay lại tìm hiểu. Ở Trường THPT Ngô Quyền, huyện đảo Phú Quý, vẫn duy trì bố trí “tiết học thư viện” – tức tiết đọc sách, mỗi tuần 1 tiết vào thời khóa biểu chính khóa cho học sinh lớp 10 và lớp 11. Xây dựng mô hình tiết học này lúc đầu học sinh không quen, tỏ ra bỡ ngỡ, nhưng khi đi vào nền nếp, trở thành thói quen, nhiều học sinh tỏ ra đam mê. Sách của thư viện, kinh phí nhà trường có hạn, nên trường đã vận động trong học sinh và các “mạnh thường quân” xây dựng “tủ sách nhân ái”, nhờ thế số lượng đầu sách được bổ sung vào thư viện nhà trường được tăng lên khá phong phú. Trong “tiết học thư viện” có nội dung thuyết trình, mỗi học sinh đọc xong cuốn sách được bố trí lên thuyết trình – một hình thức giới thiệu sách với bạn bè, có phỏng vấn, trả lời. Bạn nào trình bày còn lúng túng, yêu cầu tiếp tục đọc sách mới để lần sau lên giới thiệu. Qua “tiết học thư viện” cho thấy mối quan hệ của học sinh trở nên cởi mở với nhau trong giao tiếp.

 

Giờ đọc sách của học sinh Trường phổ thông trung học Nội trú tỉnh

Chủ nhật lần sau cũng ngồi cà phê, khi nghe tôi nói Trường THPT Ngô Quyền vẫn duy trì nền nếp và từng bước hướng dẫn học sinh đi vào chiều sâu của phương pháp đọc thì một thầy giáo ở Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh nói vừa rồi trường của thầy nhận được 10 thùng sách (264 cuốn – trị giá 12.032.300 đồng) của cô phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vận động tài trợ gửi tặng xây dựng “tủ sách nhân ái”. Tìm hiểu một trường từ huyện đảo xa xôi đất liền rồi nghe thông tin chuyện sách ở một trường học sinh dân tộc ít người, đối tượng học sinh sử dụng tiếng Việt phổ thông còn gặp không ít trở ngại, mà tạo dựng được phong trào đọc sách, gợi cho tôi thích thú.

Lại một mô hình

Tôi vào link sinh hoạt của Đoàn trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, thấy đưa tin cuộc thi viết về phong trào đọc sách, gặp bài viết dự thi đạt giải nhất của em Thông Thị Thu Nguyệt, lớp 12.1, “Cảm nhận về cuốn sách: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”. Trong bài viết có những đoạn nói về nội dung “quyển sách còn nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự nỗ lực và cố gắng tìm cách vượt qua những thử thách tinh thần, niềm tin cuộc sống, để đạt được ước mơ, hoài bão của mình. Như cậu bé tật nguyền ước mơ được bước đi bình thường như bao bạn trẻ khác, hoặc là ước mơ của cô gái thất nghiệp tìm được việc làm mà mình yêu thích. Những ước mơ đáng quý, đáng trân trọng đó luôn là niềm hy vọng, nguồn động lực cho mỗi người để sống, để cảm nhận và hướng đến tương lai”. “Sau mỗi câu chuyện em đọc, em đã nhận được cách đối xử với mọi người, với cuộc sống và quan trọng hơn là đối với ước mơ mà mình đã chọn”. “Tấm gương về sự cố gắng của nhân vật mà tác giả đã miêu tả sẽ luôn là hành trang tiếp sức cho chúng ta khi đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống”. Phần kết bài, em trích câu châm ngôn: “Bạn cô đơn ư? Đừng lo lắng. Mọi cuốn sách đều sẵn sàng kết thân với bạn”.

Thấy thú vị với bài viết của học sinh trường dân tộc ít người, tôi quay sang hỏi, thầy giáo nói, xây dựng được phong trào, khuấy động kích thích tinh thần đọc sách cho học sinh chỉ mới bắt đầu từ năm học 2020 – 2021 này thôi, từ khi thầy hiệu trưởng mới về nhận nhiệm sở, khi xây dựng kế hoạch năm học rất quan tâm đến điều 21 trong Điều lệ nhà trường – xây dựng văn hóa đọc, rồi hiệu trưởng huy động nguồn sách từ phía giáo viên (cho mượn), vận động các mạnh thường quân hỗ trợ, chỉ học kỳ I năm nay đã có được 626 cuốn – kể cả sách của cô phó giám đốc sở tặng, để làm “tủ sách nhân ái” cho học sinh, khá phong phú về thể loại, đề tài, nhưng chủ yếu là sách về kỹ năng sống. Với số lượng sách này không phải để ở thư viện cho học sinh tự giác đến mượn, mà giao cho Đoàn trường xây dựng mỗi lớp 1 tủ sách, tự trao đổi xoay vòng trong lớp từ 1 – 2 tháng, mỗi học kỳ Đoàn trường sẽ nhận lại và chuyển xoay vòng sang lớp khác. Với cách tổ chức đọc sách như vậy, từ đầu năm đến nay, số học sinh đọc được: 1 cuốn/em: 417 (53,7%); 5 cuốn/em: 40 (5,1%); 10 cuốn/em: 24 (3,1%); số học sinh không đọc cuốn nào: 80 (10,3%). Số bài viết cảm nhận dự thi: 519. Một bước chuyển phong trào thật ngoạn mục.

Với 2 trường có hoàn cảnh khá khó khăn mà xây dựng được phong trào văn hóa đọc cho học sinh như vậy, không biết những trường có điều kiện thuận lợi hơn nhiều đến nay chuyện đọc sách trong học sinh như thế nào?

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tủ sách nhân ái