Theo dõi trên

Tự tạo kinh phí hoạt động Đoàn

16/08/2017, 08:23

BT- Khó khăn về kinh phí hoạt động là tình trạng chung của hầu hết các tổ chức cơ sở Đoàn, nhất là khu vực nông thôn. Xuất phát từ thực tế đó, đòi hỏi các chi đoàn, đoàn cơ sở cần có sự chủ động tạo nguồn quỹ thường xuyên thông qua thực hiện các mô hình gây quỹ, thay vì dựa vào cơ chế xin – cho.

Hiện nay ở các cấp bộ Đoàn, nhất là các chi đoàn đều xảy ra tình trạng kinh phí hoạt động luôn không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Ngoài phụ thuộc chủ yếu vào nguồn kinh phí khá ít ỏi do cấp ủy, chính quyền hỗ trợ, nhiều hoạt động của tổ chức Đoàn, các chi đoàn phải vận động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đóng góp của đoàn viên, thanh niên. Chính sự eo hẹp của quỹ đoàn ở các chi đoàn đã phần nào hạn chế các chương trình hoạt động. Vì vậy, muốn hoạt động tốt, các chi đoàn phải tự tạo nguồn quỹ thường xuyên thông qua thực hiện các mô hình gây quỹ.

Đối với các chi đoàn ở xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc), vấn đề xây dựng quỹ hoạt động Đoàn đã được quan tâm thực hiện đúng mức và đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay, hầu hết các chi đoàn trực thuộc Xã đoàn Hàm Đức đã chủ động tìm cho mình ít nhất một mô hình gây quỹ phù hợp để thực hiện. Trong đó có một số mô hình đang phát huy tốt hiệu quả như: mô hình nhận đất 5% để trồng lúa của chi đoàn thôn 1 và thôn 3 cho thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/năm; mô hình trồng dừa của chi đoàn thôn 5, thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng; mô hình trồng rau muống của chi đoàn thôn 6, thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng/năm; mô hình bán vé số của chi đoàn thôn 2 và thôn 7, thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng; mô hình bảo vệ các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn xã của chi đoàn dân quân, thu nhập khoảng 500.000 đồng/tháng (tùy vào thời điểm); mô hình làm sữa chua của Chi đoàn Trường mẫu giáo Hàm Đức 1, thu nhập khoảng 500.000 đồng/tháng; mô hình nhận làm vệ sinh xung quanh cơ quan, đơn vị của các chi đoàn cơ quan, trường học, thu nhập từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng. Những mô hình gây quỹ đã giúp các chi đoàn có nguồn quỹ ổn định và sử dụng hiệu quả số quỹ tự tạo, từ đó chủ động tổ chức nhiều hoạt động như về nguồn, dã ngoại, giao lưu văn nghệ, thể thao, đồng thời chăm lo tốt các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương như tặng quà gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ… Từ những kết quả đạt được đã khẳng định việc đoàn viên, thanh niên trong từng chi đoàn đã chung tay tự thân vận động để tạo quỹ cho chi đoàn, chứ không trông chờ kinh phí được cấp hoặc kinh phí đến từ vận động bên ngoài.

Tuy nhiên, việc gây quỹ hoạt động chi đoàn trên địa bàn xã Hàm Đức nói riêng và nhiều cơ sở Đoàn nói chung vẫn còn một số hạn chế, như việc tìm kiếm công trình, phần việc thanh niên để gây quỹ đoàn gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đặc thù địa bàn ở một số chi đoàn còn khó khăn. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực từ những đoàn viên thanh niên đang sống tại địa bàn và bộ phận thanh niên đi làm ăn xa còn hạn chế. Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu hoạt động của Đoàn, mỗi cơ sở Đoàn cần phải linh động tăng cường xã hội hóa hoạt động, đẩy mạnh vận động nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân cũng như phối hợp với các tổ chức, đoàn thể khác để thực hiện hiệu quả các mô hình gây quỹ Đoàn.

An Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh thăm chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự tạo kinh phí hoạt động Đoàn