Theo dõi trên

Tự tin và thích ứng

20/09/2019, 13:05

BT- Trong bài “Chào năm học mới” (Bình Thuận cuối tuần số 6361), chúng tôi có đề cập đến “trí tuệ xúc cảm” (EQ), một số bạn trao đổi rằng, để cảm xúc ngự trị sẽ dẫn đến mù quáng khi xử lý vấn đề. Có lẽ do hạn chế dung lượng bài viết cho trang báo, nên không giới thiệu được đầy đủ về chỉ số thông minh và trí tuệ xúc cảm.   

                
Ảnh minh họa

Mất cân bằng và chệch hướng khi thiếu xúc cảm

Vấn đề nêu lên là khi đã có tri thức chuyên môn - chứ không phải phủ nhận, nhưng thiếu tri thức xúc cảm, sẽ gặp nhiều trở ngại khi ứng xử hành nghề. Theo nghiên cứu của Daniel Goleman về thói quen ứng xử và trí tuệ con người, với những khảo sát nhiều đối tượng có địa vị ở những công ty lớn, thấy rằng “trình độ chuyên môn và chỉ số IQ cao có thể gây ra một hậu quả mang tính nghịch lý khiến những người đầy tiềm năng thất bại”, bởi “khi họ đạt đến một vị trí cao hơn trong công việc thì điểm mạnh về chuyên môn của họ trở thành một nguy cơ: Sự kiêu ngạo khiến một số người gây xúc phạm đến đồng nghiệp của mình, còn những người khác lại quá xét nét với cấp dưới thậm chí cả khi cấp dưới có trình độ chuyên môn tốt hơn”(1). Tìm hiểu những công trình khảo sát nghiên cứu về công việc quản lý đó, chúng tôi liên hệ đến giáo dục, thấy rằng, nếu ứng dụng, không chỉ giúp cho học sinh hình thành nuôi dưỡng phát triển trí tuệ xúc cảm, sớm làm quen với các thao tác ứng xử để làm hành trang vào đời, mà ngay cả những người làm công tác quản lý giáo dục nếu thiếu trí tuệ xúc cảm trong điều hành, trước sau cũng phải đối mặt với những vấn đề đáng tiếc xảy ra ở đơn vị mình. Ấy là nói đến những người có năng lực chuyên môn vững vàng, chứ còn đối tượng năng lực chuyên môn yếu thì sẽ lâm vào những nguy cơ khác.

Những người làm công tác điều hành không có trí tuệ xúc cảm thường biểu hiện rõ nét: Chỉ biết đạt mục đích cho bản thân, giao nhiệm vụ cho thành viên dưới quyền không theo năng lực, rơi vào tình huống khó thực hiện, chỉ biết tận dụng bóc lột năng lượng, sức lao động của người khác, bằng mọi cách làm sao để đạt thành tích, luôn tìm cơ hội để khoa trương danh tiếng, kiếm lợi về cho bản thân chứ không phải cho thành viên của đơn vị, nhưng khi mắc phải sai phạm thì đổ lỗi cho người thực hiện chứ không đứng ra chịu trách nhiệm. Những đối tượng như thế, họ không có khả năng tự đánh giá về mình, không muốn nghe những góp ý, chỉ trích về điểm yếu của bản thân(2). Những người quản lý thiếu trí tuệ xúc cảm sẽ lâm vào những tình huống nguy hiểm đó tất yếu dẫn đến tình hình mâu thuẫn nội bộ, xảy ra phản ứng ngược, chống đối, bất hợp tác của các thành viên, mọi kế hoạch sẽ đổ vỡ.

 Nguy hại khi thiếu tự tin và thích ứng

Người có trí tuệ xúc cảm, trước những tình huống báo động có nguy cơ ảnh hưởng xấu, họ sẽ tự đánh giá về mình, điều chỉnh cảm xúc, biết lắng nghe, rà soát lại hiệu quả nhằm chỉnh đốn cho hợp lý với các hoạt động của đơn vị để vận hành đúng hướng. Họ luôn có niềm tin ở chính mình và ở năng lực của đồng nghiệp, nên luôn biết linh hoạt kết nối hợp tác để thích ứng trong từng hoàn cảnh.

Học trò được rèn luyện kỹ năng sống để có thái độ thích ứng trong mọi tình huống sẽ giúp các em mạnh mẽ trong giao tiếp, tạo dựng được niềm tin vào chính bản thân. Không có niềm tin vào bản thân, luôn nhút nhát, rụt rè, khó hòa nhập, bỏ lỡ nhiều cơ hội cần thiết, sẽ bị tụt lại phía sau. Người có khả năng thích ứng luôn ở tâm thế thoải mái khi tiếp nhận môi trường mới. Trong thuyết tiến hóa, nhà bác học Charles Darwin đã từng nhận định về hiện tượng trong tự nhiên: “Không phải loài mạnh nhất, cũng không phải loài thông minh nhất, mà chính loài thích ứng tốt nhất với sự thay đổi mới là loài chiến thắng”. Trong dạy học, không phát huy được quyền dân chủ, tinh thần tự chủ của học sinh, mà luôn mệnh lệnh buộc tuân theo, là rào cản lớn làm các em đánh mất niềm tự tin vào bản thân, đến khi vào đời sẽ trở nên do dự, rụt rè, lúng túng để thể hiện mình, khó thích ứng trong quá trình giao tiếp với những biến đổi của cuộc sống, chịu thiệt thòi, sẽ rơi vào thất bại trên đường hành nghề tiến thân. 

    
     (1),(2).   Nguồn: dẫn trực tiếp và gián tiếp: Daniel Goleman, “Trí tuệ xúc cảm –   ứng dụng trong công việc”, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, 2018.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự tin và thích ứng