Theo dõi trên

Tư vấn mùa thi: Giải đáp nhiều băn khoăn

29/03/2021, 10:18

BT- Sáng 28/3, báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bình Thuận tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi tại Trường tiểu học, THCS, THPT Lê Quý Đôn nhằm giúp cho học sinh nắm bắt những điểm mới trong kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp đến, cung cấp thông tin xét tuyển, các ngành học phù hợp nhu cầu xã hội và chia sẻ bí quyết học thi đạt điểm cao… Chương trình thu hút khoảng 1.000 học sinh THPT đến từ các trường gồm: Phan Bội Châu, Lê Lợi và Lê Quý Đôn.

Tham gia tư vấn có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, các trường cao đẳng, đại học tại TP. HCM. Điểm mới của chương trình còn có sự tham gia của em Võ Lập Phúc, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020 để chia sẻ kinh nghiệm cách chọn ngành và thi sao cho đạt điểm cao.

Mở đầu chương trình tư vấn, tiến sĩ Trần Lương Công Khanh - Trưởng Phòng giáo dục Trung học và Giáo dục chuyên nghiệp, Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Bình Thuận) thông tin tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và khuyên học sinh có câu hỏi mới về chọn ngành, nghề để có những giải đáp ý nghĩa nhất cho các em. Điểm mới dự kiến trong xét tuyển ĐH, CĐ năm nay được đại diện Trường ĐH Việt Đức chia sẻ đến các học sinh gồm: Năm nay kỳ thi sẽ muộn hơn so mọi năm, thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ theo 1 trong 2 hình thức là bằng phiếu hoặc trực tuyến tại những nơi có điều kiện. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, theo phương thức trực tuyến. Mục tiêu của điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội để điều chỉnh quyết định. Bộ GD-ĐT cũng bổ sung yêu cầu về điểm trúng tuyển theo diện đặt hàng tại các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ. Theo đó, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của ngành tuyển sinh. Đối tượng thí sinh theo diện này phải là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp THPT tại địa phương. Địa phương phải có cam kết sử dụng những sinh viên này sau khi tốt nghiệp.

Tại buổi tư vấn câu hỏi được học sinh gửi đến chương trình chủ yếu băn khoăn chọn ngành như thế nào? Cơ hội của ngành học sau khi ra trường ra sao?… Đối với nội dung này, thủ khoa đầu vào em Võ Lập Phúc - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh: “Các bạn nên theo đuổi lựa chọn ngành nghề với lòng nhiệt thành và trân quý ngành nghề đó. Cần phải đầu tư nghiêm túc trong việc tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề mình đam mê để theo đuổi”. Còn tiến sĩ Hà Thúc Viên - Trường ĐH Việt Đức chia sẻ: “Không có chọn lựa nào sai lầm, chỉ không chọn lựa là sai lầm. Các em có thể “chơi trò chơi” loại trừ, các em lấy bút ghi 10 ngành mình thích, sau đó chơi trò loại trừ và lựa chọn lại 3 ngành”. Còn tiến sĩ Phạm Trần Bích Thuận - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, các yếu tố lựa chọn ngành học là phù hợp với năng lực, đam mê, phù hợp với điều kiện tài chính; tham khảo ý kiến những người xung quanh…

Em Khánh Huy – lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu quan tâm đến ngành logistics, băn khoăn về cơ hội việc làm và ngành này đòi hỏi về trình độ tiếng Anh ra sao? Nội dung được - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thông tin, ở năm 2020, các em chú tâm đến ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị nguồn nhân lực do vậy số lượng đăng ký học ngành này rất nhiều. Khi xây dựng ngành học nào, các trường cũng xây dựng dựa vào nhu cầu việc làm của xã hội, để các em sau khi ra trường có thể xin việc làm phù hợp. Theo khảo sát sắp đến nhu cầu ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần tới 2,2 triệu nhân lực. Như vậy cơ hội cho các em rất nhiều, điều kiện cần là các em phải có kỹ năng mềm, chuyên môn, thái độ làm việc, bởi vì ngày nay chúng ta đang hội nhập quốc tế, nếu vững tiếng Anh thì cơ hội việc làm sẽ cao hơn.  Vấn đề này, thạc sĩ Cao Quảng Tư - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thông tin thêm, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng sau khi ra trường các em sẽ có cơ hội làm việc tại các nơi như: cảng hàng không, cảng biển, làm việc ở các vị trí chuỗi bao bì, sản phẩm hàng hóa… Nếu các em giỏi tiếng Anh thì đó là vũ khí lợi hại để cạnh tranh với khu vực toàn cầu, cũng như cơ hội việc làm sẽ cao hơn.

Em Thanh Nhàn - Trường Lê Quý Đôn đặt câu hỏi ngành đông phương học sẽ có công việc nào phù hợp và cơ hội việc làm ra sao? Còn em Trung Hậu – Trường Phan Bội Châu quan tâm đến việc làm sau khi ra trường đối với ngành CNTT sẽ như thế nào?... Đối với băn khoăn này cũng được các trường chia sẻ cụ thể như, gần đây ảnh hưởng của dịch Covid-19 chúng ta đã chuyển sang tương tác trực tuyến, công nghệ thông tin hướng đến ứng dụng nhiều nên tất cả mọi hoạt động đời sống đều liên quan chưa nói đến hoạt động sản xuất. Do vậy, ngành công nghệ thông tin sẽ đáp ứng mọi nhu cầu xã hội và cơ hội việc làm sẽ cao. Tuy nhiên, dù ngành học nào thì năng lực rất quan trọng nếu các em học ngành công nghệ thông tin mà năng lực không tốt thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu của ngành này. Đối với ngành đông phương học sẽ có nền tảng rộng liên quan đến văn hóa khu vực và cơ hội sẽ rộng mở. Các em học ngành này có thể làm việc ở các công ty du lịch, biên, phiên dịch, văn phòng chính phủ, chiến lược truyền thông marketing…

Ngoài ra, một số nội dung về các ngành luật, toán kinh tế… cũng được các trường giải đáp thông tin đến các em học sinh cụ thể và thỏa mãn nhu cầu khi tham gia tư vấn. Buổi tư vấn đã phần nào cung cấp những kiến thức bổ ích, để từ đó giúp các em định hướng việc chọn ngành học phù hợp năng lực, sở thích trong thời gian sắp đến.

H.Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn mùa thi: Giải đáp nhiều băn khoăn