BT- Nhiều bạn trao đổi với chúng tôi nội dung những bài viết nói về bậc mầm non và cấp tiểu học (trên Bình Thuận cuối tuần) nói có nhiều quan điểm giáo dục cho rằng không nên bắt trẻ học sớm, sao những bài viết của chúng tôi lại đề cao việc bồi dưỡng để phát triển tài năng trẻ cần phải dạy từ rất sớm. Như thế có nghịch lý với nhau không?

                
Ảnh minh họa

 Bài viết chỉ gợi ý để tìm hiểu

Những nội dung chúng tôi nêu trong một số bài viết trước đây là chỉ giới thiệu lại một số thành quả nghiên cứu khoa học của những nhà tâm lý giáo dục. Trên cơ sở đó, muốn độc giả tìm đọc những cuốn sách có giá trị mà chúng tôi có đề cập tới, để hiểu và áp dụng vào cuộc sống gia đình. Nếu độc giả đã đọc những cuốn sách ấy, chắc không đặt ra vấn đề “có nghịch lý với nhau không”. Kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà tâm lý giáo dục cho thấy việc bồi dưỡng, giáo dục để giúp trẻ phát triển tài năng phải đầu tư cho 2 yếu tố thuộc về sinh mệnh cơ bản rất sớm ngay từ trong bụng mẹ, đó là sức khỏe thể chất (sinh mệnh thứ nhất) và sức khỏe tâm lý (sinh mệnh thứ hai). Về sức khỏe thể chất, các bậc cha mẹ từ xưa đến nay đều nhận thức khá rõ ràng là cung cấp đầy đủ những nguồn dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể phát triển tốt để phòng tránh và trị bệnh. Nhưng về sức khỏe tâm lý, cái mà không nhìn thấy, không sờ mó được, nhưng nó tồn tại và đóng vai trò hết sức quan trọng, là “sinh mệnh thứ hai” ở mỗi con người, không có nó thì không phải con người, song kiến thức về sức khỏe tâm lý này hầu như cha mẹ không biết, nên không để ý đến. Việc bồi dưỡng và giáo dục trẻ phải kết hợp song song 2 yếu tố đó ngay từ đầu – bởi chúng bổ sung, hỗ trợ cho quá trình phát triển tài năng.

 Suy ngẫm từ một so sánh

Các nhà tâm lý giáo dục nói bồi dưỡng ngay từ đầu, tức khi còn đang là hạt giống, để giống nảy mầm tốt. Một chuyên gia nghiên cứu giáo dục ngay từ giai đoạn đầu nổi tiếng của Nhật Bản – ông Ibuka Masaru, dẫn đoàn đại biểu sang Trung Quốc để khảo sát giáo dục sớm, gặp GS. Phùng Đức Toàn ở Thượng Hải, ông kể câu chuyện ý nghĩa như sau: Hội chợ triển lãm khoa học kỹ thuật Tsukuba của Nhật có trưng bày cây cà chua làm chấn động hội chợ. Hạt giống cây cà chua này chọn một cách ngẫu nhiên trong các hạt giống của những cây cà chua bình thường khác, nhưng các nhà khoa học chăm sóc nó trong một môi trường hết sức đặc biệt và tốt nhất. Theo thử nghiệm của các nhà khoa học, những hạt cà chua khác gieo trong đất và bón những loại phân thông thường thì hạt giống này được gieo trong nước theo phương pháp thủy canh và được bón phân theo một tỷ lệ đặc biệt bằng cách bơm vào trong nước; các hạt giống cà chua khác lớn lên trong điều kiện môi trường tự nhiên bình thường thì hạt giống này được nuôi dưỡng trong một môi trường nhiệt độ, độ ẩm tốt nhất và ánh sáng cần thiết nhất. Nghe nói cà chua ưa những tia sáng màu đỏ, những hạt giống này được chiếu ánh sáng đỏ trong thời gian nhất định. Từ điều kiện chăm sóc như vậy, những cây cà chua lớn lên trong môi trường tự nhiên bình thường chỉ chiếm 1/3 m2, cho ra từ 7 - 10 quả; còn hạt giống cây cà chua được chăm sóc đặc biệt phát triển cao lớn, che phủ một khoảng đất rộng đến 12m2, cho tới 13.000 quả, gấp 1.000 lần với sản lượng của những cây cà chua thông thường. Từ hiện tượng này, ông Ibuka Masaru nói: “Tiềm năng của một loại thực vật nếu được khai thác triệt để cũng có thể mang lại kết quả đáng kinh ngạc như vậy, huống chi là con người phát triển từ trong bào thai tới giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ”.(*)

Hiện nay, những quốc gia có nền giáo dục xếp vào tốp đầu giáo dục tiên tiến thế giới, họ rất coi trọng việc ươm mầm, tập trung đầu tư cho giáo dục mầm non, tiểu học, tạo dựng cơ sở bước đầu vững chắc để giáo dục phát triển. Mục đích chúng tôi liên tục đặt vấn đề ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở cấp bậc học này nhằm trao đổi với phụ huynh và những người có trách nhiệm về giáo dục là vậy.

Võ Nguyên

(*). Nguồn: GS. Phùng Đức Toàn – Phương án 0 tuổi… Vân Anh dịch – Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, 2009.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ươm mầm