Theo dõi trên

Ươm mầm cảm hứng

16/04/2021, 10:17 - Lượt đọc: 18

BT- Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận (1982 - 2022), chủ trương viết tập sách ghi dấu các hoạt động của hội, Chủ tịch hội có đặt cho tôi viết bài “Hội Văn học Nghệ thuật với việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học trẻ trong học đường”.

 Những tháng, ngày qua

Nhìn lại chặng đường 40 năm để viết về sự phối hợp giữa Hội Văn nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo với Tỉnh đoàn thanh niên về việc “phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong học đường” quả là khó. Nhớ những năm 1990, nhiều tập san văn chương ra đời, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, có những tập san dành cho tuổi học sinh, sinh viên, như Áo trắng, Tuổi hồng, Bạn Ngọc… qua đó phát hiện, bồi dưỡng nhiều cây bút lứa tuổi học trò. Thời điểm này ở Bình Thuận, học sinh, sinh viên yêu thích văn chương đã có những sáng tác đầu tay gửi đăng trên những tuyển tập ấy. Một số nhà văn, nhà thơ trong và ngoài tỉnh viết cho lứa tuổi học trò cũng có nhiều chuyến giao lưu tại các trường học, phần nào đã kích thích, khơi gợi tình yêu văn chương trong học sinh, giúp cho những em có niềm đam mê sáng tác thêm hưng phấn, góp phần tích cực vào phong trào bồi dưỡng sáng tác thơ văn trong trường học. Đối với trách nhiệm của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, từ khi ký kết liên tịch phối hợp giữa Hội, Sở và Tỉnh đoàn đến nay, hoạt động này không được liên tục, chưa có người chuyên trách trực tiếp theo dõi, nhưng những cố gắng của 3 cơ quan trong những năm qua có những kết quả nhất định, đến nay đã tổ chức được những cuộc thi sáng tác thơ văn trong nhà trường, 4 lần tổ chức trại sáng tác văn - thơ tuổi học trò - có lần mời cả giáo viên yêu thích sáng tác văn chương tham dự. 

Trao giải sáng tác văn - thơ tuổi học trò Bình Thuận năm 2019. Ảnh: Xuân Hải

Tổ chức mở trại sáng tác lần đầu vào hè năm 2006 tại Phan Thiết. Rồi mãi đến hè 2014 mới tổ chức lại lần 2 ở La Gi; đến lần thứ 3 (hè 2015), lần thứ 4 (hè 2019) tổ chức tại Trung tâm dã ngoại Thanh niên Hòn Rơm – Mũi Né, Phan Thiết. Cách thức tổ chức, gửi thông báo về các trường THPT trong tỉnh – đối tượng là học sinh lớp 10 và 11 yêu thích văn chương, viết bài gửi về ban tổ chức. Ban tổ chức chấm và chọn ra những học sinh có năng khiếu, gửi giấy mời để các em tập trung về dự trại. Mời một số nhà thơ, nhà văn trong và ngoài tỉnh đến nói chuyện gợi cảm hứng để các em viết bài trong những ngày ở trại. Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận là mảnh đất gieo mầm đăng tải bài cho các em, tạo nguồn hưng phấn để các em tiếp tục làm ra sản phẩm mới. Kết quả cho thấy, các em có sức viết khỏe và viết được những tác phẩm mang màu sắc văn chương rõ nét. Đơn cử như lần tổ chức trại năm 2015, cả thơ lẫn văn, có đến 60 tác phẩm; lần tổ chức trại năm 2019 có 42 tác phẩm.  

Các em đã viết

Cách mượn cảnh tả tình để dẫn dắt người đọc đi vào chia sẻ không gian nỗi niềm của căn nhà với ba chị em thơ dại mồ côi cha mẹ: “Nắng chiều nhẹ dịu và tắt dần sau những rặng dừa đang dang tay vẫy. Xa xa nơi đầu xóm, từng bầy vịt đồng của chú Sáu Bảnh đang rúc mỏ tìm lúa rơi trên những đám ruộng vừa cắt xong. Văng vẳng đâu đó có tiếng bìm bịp kêu chiều nghe sao mà não... Nhà nhà đã bật đèn, mọi người quây quần bên mâm cơm nóng, riêng chỉ còn cái chòi nhỏ lụp xụp không có ánh đèn, xung quanh chỉ toàn bóng đen vây bủa. Bóng đen phủ lấy một khoảng đất nhỏ, phủ lên cả cuộc đời của ba đứa trẻ mồ côi nghèo khổ…” (Cơn bão đời mẹ - Trần Thị Hiệp, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo). Trong nhiều tác phẩm thể hiện cái nhìn tuy tuổi học sinh nhưng rất chín chắn, trưởng thành: “Tôi - một đứa con gái 17 ngấp nghé tuổi trưởng thành sống trong vòng tay bảo bọc của gia đình và nhìn đời với cái nhìn trong veo. Đôi khi tôi muốn thoát ra khỏi cái bến đỗ an toàn ấy để lao vào cuộc đời đầy cạm bẫy ngoài kia với những khát khao khám phá. Nhưng khi đã vùng vẫy chán chê giữa biển đời, sóng gió làm tôi gục ngã đôi lần, tôi chợt nhận ra trên đời này, ngoại trừ gia đình tất cả mọi thứ đều là phép thử.” (Đi về phía tình yêu – Bùi Thị Nhật Linh, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo). Cũng có em có sức tưởng tượng bay bổng, mang yếu tố tâm linh, diễn tả khi người về cõi bên kia mà vẫn không thoát khỏi những vấn vương đau khổ ở chốn trần ai, cách biểu đạt cũng rất tinh tế khi trở về tìm mẹ, đọc lên nghe lành lạnh cả người: “Tháng sáu ngang qua mang oải hương dịu nhẹ trở về. Cả một cánh đồng tím ngắt chạy dài tít tắp chân mây. Trời tím, mây tím, những ngôi nhà chơi trò ú tim sau rặng cây và cả con đường cũng tím nốt, theo sắc hoa đang chao đảo trong gió... Trời chập choạng tối, men theo lối cũ tôi tìm đường về. Căn nhà lọt thỏm giữa rừng dừa ngút ngát. Những đường, những vệt sáng chỗ mỏng, chỗ dày, kéo dài trên nền đất, cứa những vết vào bóng đêm đang nuốt chửng căn nhà”. (Trôi dạt về đâu – Trần Nguyễn Thúy Vy, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo)... Những học sinh này, năm sau đa số có tên trong đội tuyển học sinh giỏi văn, một số em được giải cấp quốc gia, nhiều em đậu vào đại học khoa văn.

Việc bồi dưỡng như trên là hiệu quả và thiết thực, hy vọng thời gian tới các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đều đặn hơn nữa trong việc kích thích ươm mầm sáng tác cho tuổi trẻ học trò phổ thông.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ươm mầm cảm hứng