Theo dõi trên

Vài suy nghĩ về đào tạo đội ngũ giáo dục

10/03/2017, 14:15

BT- Lâu nay người ta quan niệm người thầy như một kỹ sư tâm hồn, sản phẩm của người thầy hoàn toàn khác với sản phẩm của các ngành nghề khác, bởi đó là học sinh, là con người. Người thầy khi lên lớp, là lúc khởi động vận hành để cho trí tuệ, tâm hồn, tình cảm của mấy chục học trò trong lớp hoạt động, phát triển. Nhưng mấy chục học trò kia không giống như những cỗ máy trong nhà máy sản xuất, mà mỗi học sinh là một tiểu vũ trụ vô cùng phong phú, bí ẩn, huyền diệu (về tâm tư, tình cảm, nhận thức, suy nghĩ, cá tính, nhân cách,…), không ai giống ai. Nên người thầy phải có một trình độ vững chắc về kiến thức chuyên môn, về nhân học, để nắm bắt những đặc điểm đó ở từng học sinh, khi ấy mới vận hành thành công được tiết dạy trong lớp học. Nếu tiết dạy cứ dựa vào kiến thức có sẵn trong tài liệu để truyền đạt, rập khuôn, công thức, khô khan; vẫn kịch bản thầy hỏi, học sinh trả lời, xuyên suốt tiết dạy, như người thợ thi công – như thế chỉ có yếu tố thợ chứ chưa có yếu tố thầy.  

                
      
Học sinh học tại Trường Liên cấp Quốc tế    Singapore (TLCQT Singapore) tại Gamuda Gardens (Hà Nội).

Nhìn vào giáo dục Việt Nam từ sau năm 1975 nói chung và  Bình Thuận nói riêng không ai phủ nhận những bước phát triển trong quá trình xây dựng đất nước sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Tuy nhiên, cũng từ thực tế đó, giáo dục còn gặp phải rất nhiều vấn đề hết sức quan ngại về nguồn lực kỹ sư tâm hồn. Nên từ đó đặt ra vấn đề đào tạo đội ngũ.  

Để đào tạo được một giáo viên có năng lực sư phạm là một quá trình hết sức công phu từ hai phía, phía tuyển sinh đối tượng đầu vào và phía thí sinh dự tuyển. Thế nhưng, thực trạng trong suốt thời gian qua, nhằm đáp ứng kịp thời để có người đứng lớp dạy học, nhìn lại việc đào tạo giáo viên còn nhiều vấn đề để xem xét. Đối tượng thí sinh đăng ký thi vào ngành sư phạm không thu hút được hết những học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, đa số là học sinh có năng lực học tập ở mức độ trung bình, khá. Có một thời ở một số địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, nên liên kết với các trường đại học sư phạm “đào tạo gửi”, lấy điểm đầu vào khá thấp. Rà soát lại cách thức quá trình đào tạo sẽ minh chứng cho điều đó. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có những thầy cô dạy giỏi, dạy hay.

Tham khảo một vài mô hình đào tạo giáo viên của nước bạn trong khu vực để so sánh, như ở Nhật Bản, người muốn làm nghề giáo phải trải qua: Kỳ thi văn hóa giáo chức, Kỳ thi văn hóa nói chung, Kỳ thi văn hóa chuyên môn, Kỳ thi tiểu luận (là kỳ thi đánh giá tư duy, lòng mong muốn đối với nghề giáo, năng lực biểu hiện văn chương, năng lực lý luận…), Giờ học mô phỏng, Kỳ thi phỏng vấn (là kỳ thi đánh giá nhân vật (con người) thực tế để xem xét năng lực tư chất, ngay cả thông qua phỏng vấn, lý lịch, tự PR (Public Relations) bản thân để nhằm tuyển được người thích hợp với nghề giáo viên), Kỳ thi kỹ năng, còn có cả câu hỏi liên quan đến giới tính… Hay như ở Singapore, người ta đào tạo và phỏng vấn tuyển chọn giáo viên đưa ra nhiều tiêu chuẩn đánh giá hết sức khe khắt, như: Khả năng biểu đạt các giá trị và đặc trưng trong cá tính và phẩm cách công dân của một giáo viên đối với đất nước (của họ); Khả năng làm việc với những người trẻ trong quá trình giảng dạy; Kỹ năng xem xét và thực hành chuyên môn, nỗ lực vì tập thể trong hoạt động học tập phục vụ cộng đồng (phương pháp vừa dạy vừa học, học tập dựa trên kinh nghiệm đồng thời cũng là hình thức phục vụ cộng đồng); Tinh thần đương đầu với những bất công và định kiến... Chính vì thế nên giáo dục của họ luôn dẫn đầu thế giới, cụ thể như Singapore xếp hạng thứ nhất, Nhật Bản xếp hạng thứ nhì trong đánh giá PISA năm 2015.

Ở đây mới đề cập vài nét về vấn đề xét tuyển, đào tạo, còn quá trình bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên sau khi đã tuyển dụng còn nhiều vấn đề bàn luận. Đó là nội dung mà nhà quản lý giáo dục ở địa phương cần phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài và hoạch định đầu tư khoa học cho quốc sách hàng đầu mới mong triển khai đáp ứng được công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bởi yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục hoàn toàn nằm ở năng lực đội ngũ.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vài suy nghĩ về đào tạo đội ngũ giáo dục