Theo dõi trên

Việc học và vận dụng

06/07/2018, 07:44

BT- Anh bạn dạy văn, sau khi đọc bài “Cách dạy học ngày xưa” trên “Bình Thuận cuối tuần” (số 6046 – 22/6/2018), bảo rằng bài viết nói “thế mà người sau tiếp nhận nó lại lái sang hướng khác”, thế việc nhận thức của các nhà nho là sai lệch? Chúng tôi nói là còn tùy thuộc vào mục đích vận dụng phục vụ của người tiếp nhận, chứ không phải ai cũng như vậy, ví dụ chỉ cần đọc lại “Thư thất điều”(*) của cụ Phan Châu Trinh thôi cũng thấy rõ điều đó. Anh bảo “Thư thất điều” có liên quan gì đến chuyện này? Chúng tôi hơi ngạc nhiên và anh thừa nhận trước kia dạy truyện “Vi hành” (Incognito) của Nguyễn Ái Quốc chưa tham khảo “Thư thất điều”, nên chúng tôi chuyển đường link để anh tìm đọc.   

Tiếp nhận và sử dụng kiến thức

Nhân dịp vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille (5/1922), Phan Châu Trinh viết “Thư thất điều” gửi cho Khải định (7/1922) liệt kê 7 tội của nhà vua: “Một là tội tôn quân quyền; hai là tội thưởng phạt không công bình; ba là chuộng sự quỳ lạy; bốn là tội xa xỉ vô đạo; năm là phục sức không đúng phép; sáu là du hạnh vô độ; bảy là việc Pháp du ám muội”. Khi đọc xong 15 trang A4 của “Thư thất điều”, anh bạn tâm đắc và đồng tình bởi thấy trong điều một cụ Phan quy “tội tôn quân quyền” của nhà vua đã sử dụng sai trái hệ thống tư tưởng nho giáo để điều hành xã hội.

“Sau khi Bệ hạ lên ngôi, thường ra những chiếu, dụ ép dân phải tôn quân quyền, là lẽ gì vậy? Bệ hạ thường nói, nước ta xưa nay vẫn sùng nho giáo. Nho giáo còn ai lớn hơn ông Khổng, ông Mạnh? Xưa vua Định Công hỏi đức Khổng Tử rằng: “Có câu gì vua nói ra làm nước thạnh vượng được không?”. Đức Khổng Tử rằng: “Có, làm vua khó lắm, mà làm tôi cũng không dễ”. Lại hỏi rằng: “Vậy thời có câu gì vua nói ra, mà làm mất nước không”. Đức Khổng Tử rằng: “Có, ta không vui chi sự làm vui, ta chỉ vui sao cho những lời ta nói ra không ai dám cãi lại”. Thầy Mạnh Tử nói rằng: “Trong nước dân là quý nhất, đất cát và vật sản là thứ nhì, còn vua là khinh”. Lại nói rằng: “Có ở cho được lòng người cùng dân, mới đáng làm ngôi thiên tử”. Còn biết bao nhiêu là lời nói khác nữa, cũng toàn một ý ấy cả. Bệ hạ xem lại trong 5 Kinh và 4 Truyện, xem có câu nào là tôn quân quyền không? Bởi vì người nào mà ngôi mình ở trên muôn người, thời lòng khiêm nhượng phải xem mình như ở dưới cả muôn người, ấy là cái tinh thần của nho giáo vậy; nếu người nào hãnh hãnh tự đắc, cậy quyền thế mà ép dân, rằng: “chúng bay phải tôn ta, phải sợ ta, thời người ấy chẳng khác chi tìm đường tự tử vậy”.

Bức thư còn nêu một số trường hợp xưa kia như vua Kiệt tự xưng “như mặt trời soi trên trái đất”, vua Trụ tự cho “mạng ta sinh ở trời, chứ chẳng ở dân” nên cuối cùng bị sụp đổ bởi không “hợp theo lẽ trời”, “không theo lòng người”. Bức thư đưa ra những vấn đề như vậy và khẳng định: “Đấy mới thực là nho giáo đấy, sách vở còn sờ sờ đấy, đều ghi lại từ tay đức Khổng, thầy Mạnh cả, có phải tôi bày đặt ra tôi tự dối tôi, mà phỉnh người ta đâu”. Rồi kết luận ở điều một về “tội tôn quân quyền” của vua hết sức nghiêm khắc: “Vậy thời đáng lẽ vua phải hết lòng lo lắng làm việc gì lợi ích cho thỏa lòng chúng nó một tí mới phải. Nay Bệ hạ thời không: lúc chưa làm vua, chẳng nghe có một điều gì là hay, mà sự xấu xa thời đã chán chường trước mắt thiên hạ, chỉ lo chạy ngược, chạy xuôi để lên làm vua cho được; đến lúc làm vua được rồi, chỉ làm việc cho nhân dân oán thán mà thôi. Vậy mà nay còn dựa hơi quyền nọ quyền kia, bắt buộc dân còn phải tôn mình nữa kia!”. “Chiếu theo luật xưa nay, dân Âu Á chúng nó bắt tội các vua của chúng, mà xử Bệ hạ, thời một cái giết, hay một cái đuổi, hai cái đó Bệ hạ không thể tránh được.” 

Cần nguồn tham khảo

Anh bạn thừa nhận soạn giảng mà không tham khảo tài liệu để cung cấp kiến thức mở rộng giúp cho học trò đánh giá vấn đề một cách khoa học là hết sức thiếu sót. Bởi anh thấy rằng gần như điều bốn, năm, sáu, bảy được chuyển hóa nâng lên thành hình tượng nghệ thuật in đậm tính cách nhân vật “hắn” trong “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc, để người đọc cảm xúc, suy ngẫm thấm thía hơn. Rồi anh gật gù với ngữ điệu đầy thán phục: Sĩ khí các cụ ngày ấy được nung chảy sôi trào ngùn ngụt như hỏa diệm sơn. Việc học để vận dụng đúng nghĩa (thực học) là cả một vấn đề cực kỳ quan trọng.                          

Võ Nguyên

(*). Thư thất điều - NXB Anh Minh (Huế - 1958).  Nguồn tham khảo: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thu_that_dieu.html. Thư này viết một bản bằng Hán văn gởi vua, lại dịch ra Pháp văn đăng trên báo Pháp để rộng đường dư luận.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc học và vận dụng