Theo dõi trên

Với điện thoại thông minh

09/10/2020, 10:30

BT- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020), tại Điều 37: “Các hành vi học sinh không được làm”, mục 4 ghi: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”, được áp dụng từ ngày 1/11/2020, làm rộ lên làn sóng dư luận trái chiều trên cộng đồng mạng. 

Lắng nghe người trong cuộc

Từ hiện tượng này, có phụ huynh hỏi tôi nghĩ như thế nào về việc Bộ GD-ĐT ghi trong điều lệ như vậy? Tôi nói phải hỏi thầy cô giáo, những người trong cuộc trực tiếp đứng lớp mới biết được hệ quả chính xác như thế nào, chứ những người ngoài cuộc, không đứng lớp quản lý tiết dạy, biết gì!

Tôi hỏi ý kiến một số thầy cô giáo đứng lớp và ban giám hiệu, ý kiến của họ cũng chưa thật thống nhất, nhưng tựu trung đều cho rằng nếu cho các em sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học rất khó quản lý. Nếu theo dõi khoảng 10 học sinh thì tương đối dễ dàng, chứ hiện nay, nhiều trường do phòng ốc thiếu, một lớp học có đến 40 - 45 em, quản lý điện thoại cầm tay của các em không xuể. Khi trao đổi, một thầy giáo nói, trên diễn đàn mạng có người tỏ ra hoàn toàn tán thành, bảo thời đại 4.0 rồi mà cấm học sinh sử dụng điện thoại để truy cập kiến thức trong giờ học nghĩa là đóng cửa tương lai của tuổi trẻ. Thầy cười mỉm chi rồi tiếp, cái gì mà đóng cửa tương lai nghe ghê gớm vậy, tôi là người trực tiếp đứng lớp, khi bộ chưa ban hành Thông tư 32, tôi đã từng hướng dẫn học trò sinh hoạt nhóm sử dụng điện thoại di động truy cập số liệu về địa lý – chỉ được truy cập 5 phút, chuyện diễn ra bình thường, hiệu quả. Nhưng đó là lớp bồi dưỡng, không quá 10 học sinh, còn khi dạy lớp đại trà 42 học sinh, dẫu cho sử dụng điện thoại truy cập 5 phút thôi, cũng rất khó quản lý. 

Khảo sát, đối chiếu

Một thầy hiệu trưởng nói, khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32, tôi có trao đổi với thầy cô trong trường, rồi theo dõi ý kiến tranh luận trên diễn đàn mạng, thấy rằng không nên chủ quan, mà cần phải thể nghiệm, khảo sát, để có những đúc kết đánh giá khoa học, bởi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, ngoài vấn đề truy cập kiến thức để học, nó còn liên quan đến vấn đề thuộc về đạo đức, nhân cách, lẽ sống nữa. Tôi có vào mạng truy cập xem các nước trên thế giới cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như thế nào, thấy rằng nhiều nước có nền khoa học công nghệ cũng như giáo dục tiên tiến, như ở Pháp, thông qua Bộ trưởng Giáo dục Liên bang, đã kêu gọi các trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh tại các trường học ở Pháp. Lệnh cấm được áp dụng vào tháng 9 năm 2018 (1). Còn Tổ chức Giáo viên Quốc gia Ireland cho biết hầu hết các trường học ở Ireland đều có chính sách ngừng cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường (2). Ở Indonesia, nguyên nhân của lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động chủ yếu là do trẻ em truy cập nội dung khiêu dâm và mất tập trung vào bài học ở trường là mối quan tâm chính (3)…

Còn tôi, khi nghe quý thầy cô trao đổi, tôi gọi điện hỏi anh bạn ở Mỹ, một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, anh nói giáo dục ở đây mỗi ban có những quy định khác nhau, nội quy ở trường phổ thông bản thân không rõ lắm, nên chuyển máy cho tôi trao đổi trực tiếp với cháu Tam Vo – con anh, đang học lớp 11 tại Ronald Reagan high school ở thành phố Milwaukee thuộc tiểu bang Wisconsin. Cháu nói nhà trường khích lệ học sinh có thể sử dụng các phương tiện công cụ phục vụ cho học tập như điện thoại thông minh, smartphone, laptop… truy cập kiến thức – tài liệu để soạn bài, hoặc học nhóm, để khi đến lớp trao đổi, thảo luận trong quá trình tiết giảng của thầy cô hướng dẫn, chứ trong tiết học thì học sinh không được sử dụng điện thoại di động.

Tôi nghĩ, hiện nay, từ bộ đến các sở, các trường cần đầu tư xây dựng kho tài liệu nội sinh – như một thư viện, số hóa để hướng dẫn học sinh chia sẻ, khai thác phục vụ cho việc truy cập học tập có địa chỉ với những nội dung chọn lọc sát hợp với yêu cầu giáo dục trường phổ thông. Riêng việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong tiết học cần tiếp tục nghiên cứu, trước mắt nên để thầy cô đứng lớp quyết định (như Thông tư 32 đã nêu), xem đây là một thể nghiệm, để có kết luận, nên hay không nên, khi nhận thấy được hiệu quả: có lợi hay nguy hại.

Võ Nguyên

(1) French to Impose Mobile Phones in Schools. The Telegraph. telegraph.co.uk/news; (2) Calls for Smartphone Ban in School Classroom. The Daily Telegraph. dailytelegraph.com.au/news; (3) Menteri Yohana buat aturan larangan siswa bawa HP ke sekolah. nasional.tempo.co. Những trích dẫn 1, 2, 3 lấy nguồn từ The Smartphone Use in Indonesian Schools: The High School Students’ Perspectives – Karmila Machmud1.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Với điện thoại thông minh