Theo dõi trên

Xung quanh chuyện luân chuyển, dôi dư giáo viên ở TP. Phan Thiết

01/05/2020, 08:04 - Lượt đọc: 216

BT- Nhiều thầy, cô không được dạy trọn vẹn môn chuyên ngành đào tạo, phải dạy thêm môn khác, cũng như làm nhiều công việc cho đủ tiết/tuần, do dư giáo viên đang diễn ra trên địa bàn TP. Phan Thiết. Thực trạng này gây tâm tư trong giáo viên, ảnh hưởng chất lượng dạy và học.  

                
   Giáo viên đứng lớp (ảnh minh họa). Đình    Hòa.

“Chạy” cho đủ tiết!

Ngay đầu năm học 2019 – 2020, đã có những râm ran giữa các thầy cô về vấn đề dư thừa giáo viên, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở (THCS). Điều này xuất phát từ việc luân chuyển giáo viên giữa các trường. Tuy nhiên, trong quá trình luân chuyển có thực trạng trường quá dư thừa giáo viên, trường đủ giáo viên còn nhận thêm giáo viên hợp đồng... Dư nhiều nhất là ở các trường vùng ven thành phố. Theo một số thầy cô, đầu năm học khi nhận quyết định chuyển trường theo quy định, ai cũng vui vẻ nghĩ trường ấy đang cần thêm giáo viên, nhưng khi về trường phát hiện không thiếu mà quá dư. Thầy N.V.T – giáo viên văn đang công tác tại một trường THCS ở ngoại ô TP. Phan Thiết chia sẻ: Khi nhận quyết định luân chuyển, tôi cứ nghĩ nơi được bố trí giảng dạy thiếu giáo viên dạy văn, nhưng khi về giảng dạy phát hiện không thiếu mà dư giáo viên. “Cảm giác bất ngờ, tôi tự động viên mình, ban giám hiệu điều dạy thêm môn nào thì cứ dạy, rồi chuyển đi đâu thì dạy đó”, thầy T nói thêm. Lý giải việc dư này, nhiều giáo viên cho rằng có liên quan đến việc phân bổ giáo viên giữa các trường chưa nhất quán. Trước khi vào năm học mới, cần phải cân đối giáo viên bộ môn và phân bổ cho hợp lý, không thể cứ giao cho các trường số lượng, trường muốn bố trí sao thì bố trí.  Hơn nữa, cũng cần xem lại có nên nhận thêm giáo viên hợp đồng, khi mà số lượng giáo viên trong trường vẫn có thể đảm bảo đủ số tiết dạy theo quy định.

Qua tìm hiểu, ngoài tâm tư không dạy đúng chuyên ngành, còn vấn đề tâm tư khác cũng liên quan đến việc luân chuyển giáo viên giữa trường nội thành và ngoại thành. Phần lớn giáo viên chỉ mong ban giám hiệu, các phòng có liên quan bố trí hợp lý, công bằng. Dư thừa ở mức độ cho phép, không thể quá dư khiến giáo viên phải dạy khác chuyên ngành, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. 

Do nhiều nguyên nhân

Trước thực trạng trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với 2 phòng chức năng có liên quan là Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phan Thiết. Về phía Phòng Nội vụ - đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ giáo viên theo yêu cầu của các trường, ông Đỗ Hùng Phương – Trưởng phòng cho biết, số lượng giáo viên dạy ở các trường mỗi năm không ổn định, có người nghỉ hưu, có người chuyển công tác. Ngoài ra, các lớp cũng có năm tăng, có năm giảm, nên tùy vào từng điều kiện năm học để xem xét phân bổ. Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, vấn đề nhân sự ở các trường, được đưa ra cuộc họp 3 bên gồm: Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường bàn bạc. Trường thiếu bao nhiêu giáo viên và cụ thể thiếu ở môn học nào, hoặc thừa như thế nào, có báo cáo thì phòng mới phân bổ. Trường hợp, thiếu giáo viên dạy môn này mà giáo viên môn khác dư, có thể điều động bổ sung trong điều kiện vẫn có thể đảm bảo được chất lượng dạy và học như: giáo viên dạy giáo dục công dân thiếu mà giáo viên dạy văn dư thì có thể bổ sung. Ban giám hiệu nhà trường có trách nhiệm phân công, bố trí, đảm bảo đủ số tiết cho các giáo viên theo quy định.

 Như vậy, lượng giáo viên giảng dạy giữa các bộ môn không đồng đều, có môn thừa, môn thiếu. Các trường giải quyết bằng cách phân công dạy kiêm môn và làm công việc khác để đảm bảo đủ số tiết/tuần. Dù vậy, ông Phương thừa nhận có dư giáo viên, vì năm học vừa qua thực hiện chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại trường lớp, mỗi lớp học thay vì 35 em/lớp thì nay là 45 em/lớp, nên đã dôi dư lượng lớn giáo viên. Bố trí, giải quyết số giáo viên này rất khó khăn... Những môn học nào dư thừa giáo viên thì không tuyển thêm, như môn tiếng Anh. Chỉ hợp đồng hoặc tuyển những môn đang thiếu, như môn tin học.

Ông Thân Trọng Lê Hà – Trưởng Phòng Giáo dục TP. Phan Thiết cho biết: Vấn đề phân bổ giáo viên cho các trường hiện thuộc Phòng Nội vụ, chúng tôi không còn làm khâu này, chỉ phối hợp giải quyết nếu có mời tham gia. Vấn đề bố trí giáo viên giảng dạy tại các trường cần phải sâu sát, tính toán kỹ để phân bổ, nếu không rất dễ xảy ra dư thừa...

Giải quyết những vấn đề trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng có liên quan, nhà trường và phải công bằng, công khai minh bạch ngay từ đầu. Nếu không rất dễ xảy ra những thắc mắc, nghi kỵ không đáng có, ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường giáo dục.

    
      Theo Phòng Nội vụ thành phố, năm học vừa qua giảm 18 lớp, dư khoảng 34   giáo viên. Lý do giảm là thực hiện NQ TW6 sắp xếp lại mạng lưới trường   lớp. Thay vì trước đây mỗi lớp 35 em/lớp, thì nay 45 em/lớp. Những môn   học chính như văn, toán, Anh sẽ càng dư.

 Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh chuyện luân chuyển, dôi dư giáo viên ở TP. Phan Thiết