Theo dõi trên

2 giống bắp lai mới nhiều ưu điểm vượt trội

04/11/2019, 08:38

BT- 2 giống bắp lai mới CP 512 và CP 811 vừa được trồng thử nghiệm thành công tại xã Hàm Cần mở ra thêm sự lựa chọn thay đổi cơ cấu giống, bảo vệ bắp khỏi sâu bệnh phá hoại…   

Chuyển đổi cơ cấu giống bắp lai

Trong những năm qua, quá trình triển khai cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nhận đầu tư ứng trước để sản xuất bắp lai thì đa số đồng bào tập trung sản xuất 3 loại giống chính gồm: NK 7328 của Công ty Syngenta, giống CP 333 và CP 511 của Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam. Việc dùng một loại giống liên tục cho nhiều năm trên một vùng đất đã gây ra tình trạng thoái hóa đất, ảnh hưởng đến sức đề kháng cũng như chất lượng và năng suất của cây bắp. Sản lượng bắp lai trung bình của vùng đồng bào hiện nay trong tỉnh chỉ đạt từ 40 – 45 tạ/ha. Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến lịch thời vụ xuống giống và sự sinh trưởng của cây bắp lai, đặc biệt là xuất hiện sâu keo phá hoại cây bắp trên địa bàn tỉnh với diện tích thiệt hại trên 1.500 ha. Xã Hàm Cần nơi phần lớn các đồng bào dân tộc thiểu số trồng bắp lai theo chương trình đầu tư ứng trước do Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh đầu tư và bao tiêu với gần 800 ha. Đồng bào chỉ tập trung sản xuất 2 loại giống CP 333 và CP 511. Hiện nay, toàn xã Hàm Cần đã thu hoạch hơn 70% diện tích bắp lai, tuy nhiên năng suất giảm gần 1 nửa do sâu keo phá hoại. Ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết: “Với đặc trưng của các vùng đất phần lớn chỉ phù hợp cây bắp lai. Từ thực tế giống bắp lai sử dụng đã lâu nay năng suất giảm, khả năng kháng bệnh kém, trung tâm mạnh dạn đưa vào thử nghiệm mô hình trình diễn 2 giống bắp lai mới CP 512, CP 811”. Cũng theo ông Chi cho hay, sự thành công mô hình là cơ sở khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi sử dụng giống bắp lai mới nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu giống bắp lai góp phần phát triển sản xuất, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Cũng từ mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và thâm canh cây bắp lai đến người dân, đặc biệt là sử dụng các giống mới tăng năng suất, thu nhập. 

                
   Giống bắp lai mới được trồng thử nghiệm.

Những ưu điểm vượt trội

Trung tâm Dịch vụ miền núi đã triển khai thử nghiệm mô hình trình diễn bộ giống bắp lai mới CP 512 và CP 811 tại rẫy của ông Nguyễn Văn Ró ở thôn Lò To với diện tích 3 sào từ tháng 7/2019. Trên diện tích đất rẫy ông Ró còn trồng giống bắp lai cũ CP 333, cùng điều kiện chăm sóc so sánh kết quả cho thấy bắp lai giống mới cho năng suất đạt cao; đặc biệt 2 loại giống có khả năng thích ứng tốt kháng được bệnh gây hại. Theo ông Ró, trong giai đoạn bắp trổ cờ, phun râu gặp điều kiện thời tiết khô hạn nhưng 2 giống này vẫn cho tỷ lệ kết hạt cao, lõi nhỏ phù hợp với điều kiện canh tác, thời vụ địa phương.

Ông Phạm Đức Bình – Trưởng phòng Kinh doanh khu vực Đông Nam bộ Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam cho hay: “Hạt giống bắp lai của công ty như CP 333, CP 511 đã gắn bó với nông dân Bình Thuận nhiều năm qua, tiêu chí để đưa ra giống mới chúng tôi đã đi khảo sát địa hình, những giống cũ bà con đang sử dụng có dấu hiệu năng suất giảm cần phải thay thế. Trải qua 3 năm khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho sản xuất đại trà bộ giống này và đã áp dụng thành công ở một số tỉnh, thành. Riêng đối địa bàn Bình Thuận xã Hàm Cần thử nghiệm đầu tiên, bộ giống CP 512, CP 811 cũng đang trình diễn mô hình tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc). Mặc dù trong điều kiện nắng hạn cho thấy khả năng thích nghi, kháng bệnh, tỷ lệ đóng hạt đạt yêu cầu”.

Với kết quả mô hình là “tín hiệu vui” để đưa bộ giống này trong cơ cấu giống bắp lai của tỉnh, tuy nhiên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam cũng như đa số bà con mong muốn sự hỗ trợ của công ty để giảm giá thành của bộ giống bắp CP 512, CP 811 giúp bà con giảm chi phí, mạnh dạn áp dụng đại trà.

    
    Kết   quả thử nghiệm, so sánh  mô hình cho thấy, giống bắp CP 512 và CP 811   cho năng suất đạt từ 75 - 95 tạ/ha, tăng từ 40 – 50 tạ/ha so với các   giống đang trồng phổ biến tại địa phương. Mặc dù tình hình thời tiết   không thuận lợi, sâu bệnh xảy ra nhưng qua đánh giá sơ bộ mức bình quân   thu nhập của giống bắp lai mới sau khi trừ chi phí cho thu nhập 1 ha là   hơn 16 triệu đồng so với giống bắp lai cũ là 8,7 triệu đồng, mức chênh   lệch gần 50%.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 giống bắp lai mới nhiều ưu điểm vượt trội