Theo dõi trên

An toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp

19/06/2018, 08:44

BT- Thực hiện Công văn số 4816 của UBND tỉnh về  tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ lĩnh vực này. Hơn một năm nay, các đoàn thanh tra liên ngành do sở chủ trì đã thanh tra 420 cơ sở (CS), xử phạt vi phạm hành chính 76 CS với số tiền hơn 730 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý 22 CS  sản xuất, kinh doanh nông sản đã bị các đoàn thanh tra xử phạt gần 400 triệu đồng về các hành vi sai phạm. Đó là CS không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), không khám sức khỏe cho công nhân, không trang bị bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất, sử dụng chất hỗ trợ chế biến nằm ngoài danh mục cho phép, công nhân chưa được tập huấn kiến thức ATTP.

                
Mô hình trồng rau an toàn của HTX Trà Tân,    Đức Linh.

Đoàn thanh tra cũng đã tịch thu, tiêu hủy 2.022 kg tang vật các loại, đình chỉ hoạt động có thời hạn 4 CS. Cùng với đó, 8 CS kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, kinh doanh sản phẩm thịt có mùi hôi; lực lượng chức năng đã tiêu hủy 842 kg tang vật các loại, xét nghiệm 3/4 mẫu thịt không đạt chỉ tiêu vi sinh, đình chỉ hoạt động 2 CS với thời gian 2 tháng; xử phạt các CS giết mổ gia súc hơn 123 triệu đồng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về lĩnh vực này, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các hóa chất, phụ gia bị cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản thực phẩm chưa được kiểm soát toàn diện trên thị trường đã tạo cơ hội cho các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đầy đủ công tác ATTP; ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa cao, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nguồn lực thực hiện quản lý ATTP các đơn vị được giao chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Ông Phạm Văn Nam nhấn mạnh, thời gian tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về ATTP. Sở Nông nghiệp & PTNT chú trọng phổ biến pháp luật, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm. Sở chủ quản phối hợp ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra việc sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, giết mổ gia súc trong khu dân cư; xử lý triệt để các hành vi vi phạm về giết mổ, vận chuyển, chế biến, bày bán thực phẩm không an toàn; chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thực phẩm tại các chợ,  thức ăn đường phố…

Cùng với đó, UBND tỉnh khuyến khích, nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm này. Sở Nông nghiệp & PTNT đã xây dựng 2 mô hình cung ứng chuỗi (1 chuỗi thủy sản,1 chuỗi rau); hỗ trợ kết nối hoàn thiện 16 chuỗi cung ứng quả thanh long, hạt điều, thịt dê, sản phẩm thủy sản; hướng dẫn áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP cho 22 cơ sở nông sản, thủy sản; hỗ trợ gần 350.000 tem nhận diện thông minh QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn xây dựng 2 mô hình trồng rau ăn lá theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ được chứng nhận VietGAP, với diện tích gần 5 ha…                        

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp