Theo dõi trên

Bắc Bình: Bước chuyển mình trong nông nghiệp

13/04/2021, 08:45

BT- Là huyện miền núi với địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển ngành nông nghiệp của huyện Bắc Bình. Để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi những năm qua huyện đã tận dụng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, xác định những cây trồng, con nuôi phù hợp… Từ đó từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và đạt được nhiều kết quả khả quan.

                
Trồng bưởi da xanh ở Bắc Bình.

Thay đổi nhận thức sản xuất

Lúa vẫn là cây trồng chủ lực, được đặc biệt chú trọng đầu tư ở Bắc Bình. Bởi ngoài yếu tố an ninh lương thực, lúa còn được xác định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và ổn định cho bà con nông dân. Để thích nghi với thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế của cây lúa, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thâm canh cây lúa, tạo sự thay đổi về nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân.

Những năm trước đây, anh Lê Xuân Hòa, thôn An Bình, xã  Bình An thường dùng các giống lúa địa phương để gieo sạ. Giống thoái hóa, cùng với mật độ gieo dày khiến sâu bệnh phát sinh. Gần đây, anh mạnh dạn đưa các giống OM 406, Đài thơm 8, ST 24, ST 25 vào sản xuất. Thấy năng suất, hiệu quả được cải thiện rõ rệt, anh nhân rộng ra toàn bộ 3 ha ruộng lúa của gia đình. Tương tự, anh Nguyễn Minh Tuấn cũng mạnh dạn trồng 2,5 ha các giống lúa mới và thu được kết quả rất khả quan. Các anh Hòa, Tuấn đều khẳng định: Đối với chân ruộng đất cát pha tại khu vực cánh mương hồ Bo Bo thì những năm trước, năng suất thu hoạch cao nhất chỉ khoảng 5 - 6 tấn/ha. Nhưng từ khi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa theo quy trình SRI, nông dân đã giảm 50 - 100 kg lúa giống/1 ha. Đồng thời, giảm nước tưới, chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu do lúa gieo thưa, ít sâu bệnh. Không chỉ đối với cây lúa, nhiều nông dân Bắc Bình còn thực hiện chuyển đổi trồng thanh long theo hướng hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hay trồng bưởi da xanh, loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

 Chủ động vượt khó

Mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng tình hình phát triển ngành nông nghiệp tại Bắc Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm bị phân tán, khả năng cạnh tranh chưa cao; đồng thời vẫn phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, huyện cũng chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trên địa bàn. Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, cây trồng, vật nuôi diễn ra chậm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến chưa đồng bộ.

Trước thực tế trên, Bắc Bình xác định trong thời gian tới, phải tiếp tục tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tích cực và có hiệu quả chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình thường xuyên liên tục, lâu dài; trong đó vừa phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và có thị trường tiêu thụ, vừa phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời cũng phải bảo đảm các nhu cầu cơ bản của người dân trên địa bàn huyện… Từ đó góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra. 

Tương Lai



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình: Bước chuyển mình trong nông nghiệp