Theo dõi trên

Bắc Bình: Khó khăn trong quản lý khoáng sản

14/11/2018, 09:23

BT- Từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đến nay, tình hình khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép diễn ra hết sức phức tạp, khó kiểm soát. Nổi lên tại các địa bàn  Bình Tân, Sông Lũy, Sông Bình, Lương Sơn, Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn, Hải Ninh...  

Cung không đủ cầu

Với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tỷ lệ dân số ngày càng gia tăng, UBND huyện Bắc Bình chú trọng đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp xây dựng mới các công trình dân dụng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn đến các xã, thị trấn; xây dựng các dự án trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển... Để giải quyết các vấn đề xây dựng nêu trên, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay và thời gian đến.

Thế nhưng, nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn huyện chủ yếu là đá xây dựng, cát sông, vật liệu san lấp (cát, sỏi bồi nền) đều phân tán nhỏ lẻ, rải rác trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Chính vì vậy, hàng năm nhu cầu sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường (riêng cát xây dựng và cát san lấp) khoảng 867.416 m3. Trong đó, cát xây dựng khoảng 431.155 m3, vật liệu san lấp bồi nền khoảng 436.261 m3. Chỉ cần số công trình do chính UBND huyện làm chủ đầu tư là khoảng 100 công trình. Công trình do UBND xã, thị trấn làm chủ đầu tư, công trình giao thông nông thôn, chưa kể công trình nhà dân… Cũng đã cho thấy nhu cầu cần khoáng sản VLXD gần như quá tải. Mặt khác, toàn huyện có 41 mỏ khoáng sản được quy hoạch làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2536 ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh. Nhưng ngặt nỗi, hiện nay chưa có điểm mỏ khoáng sản nào được cấp giấy phép hoạt động để đáp ứng nhu cầu đang thiếu (trừ mỏ sét tại xã Bình An được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho Công ty Tuynel Bắc Bình phục vụ sản xuất làm gạch của nhà máy vào năm 2008, hiện nay đang hoạt động khai thác).  

Quản lý khó khăn

Chính vì vậy, tình hình khai thác khoáng sản VLXD trái phép ngày càng phổ biến hơn trên địa bàn Bắc Bình. Trong năm 2018, UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm 3 người đứng đầu và chính quyền UBND cấp xã (Sông Bình, Bình Tân, Hòa Thắng) đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Nhưng cũng phải nhìn nhận, khó khăn, tồn tại trong quản lý khi mà  các loại khoáng sản như đất, cát, sỏi làm vật liệu san lấp bồi nền; đá, cát xây dựng có trữ lượng nhỏ phân bố không tập trung và ở những khu vực miền núi, xa trung tâm huyện nên dẫn đến việc phát hiện và xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Một số bãi cát trên dòng sông Lũy thuộc địa bàn huyện Bắc Bình, là những bãi cát bồi theo đợt mưa lũ bồi về có trữ lượng nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch khoáng sản nên việc quy hoạch, đánh giá trữ lượng để đấu giá và quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng tại địa phương, nên còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và phức tạp, thủ đoạn khai thác khoáng sản trái phép ngày càng cơ động, tinh vi, chủ yếu thực hiện sau giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ và có sự cảnh giới theo dõi, bất chấp luật pháp.

Bắc Bình là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, khoáng sản phân bố rộng khắp, đường sá thuận tiện cho đối tượng hoạt động, nếu không có những biện pháp chế tài sẽ gây khó khăn trong công tác bảo vệ khoáng sản. 

CẨM VÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình: Khó khăn trong quản lý khoáng sản