Theo dõi trên

Bắc Bình lúng túng tìm giống lúa

06/09/2018, 08:35

BT- Những ngày này, người dân ở huyện Bắc Bình đang tất bật thu hoạch lúa hè thu. Nhìn ruộng lúa đã ngả màu chín vàng, ông Lê Văn Tám, xã Phan Thanh hiện rõ nét đăm chiêu trên khuôn mặt. Hồi hộp không phải vì giá mà sợ lúa nhiều hạt lép bị thương lái chê, ép giá. Nỗi lo của ông Tám không phải mới đây mà là từ nhiều năm trước. Thửa ruộng chuẩn bị thu hoạch của ông Tám, lúa phân 2 tầng rõ rệt. Nếu như ở tầng dưới là những hạt thóc vàng óng, căng tròn thì ở tầng trên trái ngược hoàn toàn. Trên thân lúa cao ngồng là những hạt màu vàng nhạt xen lẫn những hạt màu đen. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy những hạt thóc ở tầng trên xẹp lép, nhăn nhúm. “Trước đây, tỷ lệ hạt lép, lúa 2 tầng chỉ khoảng 10%. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này ngày một tăng. Có lẽ do giống lúa ML 48 này trồng lâu rồi nên bị thoái hóa…”, ông Tám chia sẻ.

                
Người dân ở huyện Bắc Bình đang đề nghị    thay thế giống lúa ML 48.

 Giống lúa “huyền thoại” không như xưa

Trên địa bàn Bắc Bình hiện nay có 2 giống lúa đang sản xuất đại trà ML 214 và ML 48. Cả 2 giống này đều có năng suất cao và thời gian sinh trưởng như nhau. Tuy nhiên, giống lúa ML 214 có khả năng kháng bệnh rầy nâu tốt hơn nhưng hạn chế dễ bị ngã đổ khi có gió mạnh. Còn giống ML 48 lại có thân cứng, chịu gió tốt hơn. Với vùng đất thường xuyên có gió mạnh như Bắc Bình, giống ML 48 được xuống giống nhiều hơn. Đặc biệt vào vụ mùa thì 100% người dân xuống giống ML 48.

Theo lý giải của ngành chức năng huyện Bắc Bình, việc giống lúa ML 48 xuất hiện lúa tạp, lúa 2 tầng có nhiều nguyên nhân. Ngoài việc giống lúa bị thoái hóa, kỹ thuật canh tác của nông dân cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Trước khi vào vụ mới, nhiều hộ nông dân không thực hiện ngâm nước để làm thối những hạt lúa còn sót lại của vụ trước mà thực hiện làm đất, xuống giống ngay. Điều này dẫn tới các hạt lúa sót lại trên đồng nảy mầm và lớn lên xen lẫn với giống sạ mới. “Giống lúa Ma Lâm đã gắn bó với người dân huyện Bắc Bình hơn 20 năm. Việc trồng giống lúa này đã hình thành một tập quán canh tác nên việc áp dụng cách sản xuất mới không phải dễ dàng.  Muốn người dân thay đổi suy nghĩ phải chứng minh cho họ thấy được lợi nhuận khi trồng giống mới. Với vùng Bắc Bình, thu nhập từ cây lúa là thu nhập chính của nhiều hộ dân nên họ không dám mạo hiểm…”, ông Lê Văn Tám cho biết.

“Thờ ơ” với giống mới?

Việc giống lúa Ma Lâm 48 bị thoái hóa, các ngành chức năng ở Bắc Bình đều biết. Nhưng việc tìm ra một giống lúa mới thay thế là bài toán mà nhiều năm nay Bắc Bình chưa tìm ra lời giải. Ông Huỳnh Duy Khôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bình cho biết: Người dân kiến nghị thay giống lúa mới vì thời gian qua trên diện tích trồng giống lúa ML48 xuất hiện nhiều lúa tạp, tỷ lệ hạt lép cao và khả năng chống chịu sâu bệnh của các giống lúa đã giảm. UBND huyện cũng đã triển khai nhiều phương án để tìm giống thay thế nhưng chưa giống nào được thị trường chấp nhận.

Để tìm loại giống mới có thể thay thế được giống lúa Ma Lâm 48, các ngành chức năng huyện Bắc Bình đã mời nhiều công ty về huyện thực hiện mô hình trình diễn giống. Trong đó, giống lúa An Sinh 1399 được đánh giá cao về khả năng thay thế giống lúa Ma Lâm 48 với thời gian sinh trưởng, kháng bệnh tốt, hạt lúa tương tự và năng suất cao hơn. Thế nhưng giống lúa An Sinh 1399 chỉ sản xuất đúng 1 vụ rồi không ai trồng nữa. Lý do vỏ trấu của giống lúa An Sinh 1399 dày nên khi đưa vào xay tỷ lệ hạt gãy cao, thương lái chê không mua. Ngoài giống An Sinh 1399, Công ty Lộc Trời cũng thực hiện trình diễn một số dòng của giống lúa OM. Tuy nhiên, giống lúa OM cũng không được người dân sử dụng rộng rãi.

Người dân kiến nghị thay giống khác, ngành chức năng tích cực tìm giống mới. Nhưng nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Bắc Bình vẫn chưa có giống lúa nào có thể thay thế giống lúa “huyền thoại” Ma Lâm 48. Thói quen canh tác, nhu cầu thị trường đang là “rào cản” để những giống lúa mới có năng suất cao hơn vào thị trường huyện Bắc Bình. Giải quyết vấn đề này không chỉ là việc của ngành chức năng mà cần sự vào cuộc của các nhà khoa học như cách mà huyện Tánh Linh đang làm để xây dựng cánh đồng kiểu mẫu… 

         
   

   Cấp    lại giống nguyên chủng

      “Việc    thay thế giống lúa Ma Lâm 48 đã được bàn bạc, thực hiện từ gần 10    năm trước. Nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giống lúa thích hợp. Để    giải quyết vấn đề tạm thời, chỉ có cách cấp lại một đợt giống nguyên    chủng lúa Ma Lâm 48 và Ma Lâm 214 để người dân gây giống lại từ đầu.    Việc này chỉ có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có đủ    thẩm quyền…” - ông Đinh Văn Ngự, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và    Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình đề xuất.  

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình lúng túng tìm giống lúa