Theo dõi trên

Bám biển dài ngày để bù phí tổn

28/02/2017, 08:47

BT- Khi giá dầu “nhảy múa” tăng gần 300 đồng/lít (giá mới 14.305 đồng/lít), chúng tôi vẫn nhận thấy nhiều bạn thuyền trên các tàu cá công suất lớn nằm ken dày dọc cảng Phan Thiết đang chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến đi biển. Anh Nguyễn Bá Hùng, ngụ phường Lạc Đạo, thành phố Phan Thiết, chủ chiếc tàu to lớn công suất 250CV đang neo đậu ở cảng cho hay: “Buổi sáng tàu tôi vừa xuống xong 2 tấn dầu theo giá mới 14.305 đồng/lít, đang chuẩn bị cho chiếc tàu nghề mành chà đánh cá nổi này nhổ neo vào vài ngày tới để đánh bắt ở vùng biển khơi, khu vực nhà giàn DK 1. Hơn nữa tàu đi biển để giữ bạn thuyền đã gắn bó với mình lâu nay”. Anh Hùng tính, theo giá dầu mới lên vừa rồi, phí tổn mọi thứ (dầu, thực phẩm, gas, nước…) cho chuyến biển gần 50 triệu đồng, tăng hơn 10 triệu đồng so với trước; trong khi giá cá bán cho tàu dịch vụ ngoài biển lẫn trong bờ tăng chưa bao nhiêu. Đợt này, thời gian đánh bắt tàu tôi sẽ kéo dài hơn 1 tháng so những chuyến biển trước đây để có thể thu được...

                
Chuẩn bị đá cho chuyến biển khơi xa.

Cũng nằm trong dãy tàu dọc bờ cảng Phan Thiết, chiếc tàu hành nghề khơi số hiệu BTh 98266 TS đang bơm nước sinh hoạt cho chuyến biển. Ông Trịnh Văn Năm (ngụ phường Đức Thắng), chủ tàu nói: Tàu tôi công suất 350 CV đã đổ xong 3 tấn dầu ở cây xăng Đình Chung cạnh cảng cá theo giá mới lên lúc đầu, cùng 120 cây đá chuẩn bị ra vùng biển khơi đánh bắt cá nổi. Theo giá dầu lên tàu phải bám biển dài ngày hơn mới mong đắp bù phí tổn”. Chuyến biển hơn 1 tháng trước, tàu ông Năm ngang dọc vùng khơi, ra cả nhà giàn DK1, thu gần 3 tấn các loại mực, cá nổi; bán được 100 triệu đồng, trừ tổng chi phí 60 triệu đồng. Chủ tàu và 5 bạn thuyền còn chia được một ít ăn tết… Theo nhiều chủ tàu ở cảng cá Phan Thiết, sau Tết Nguyên đán đến nay, tàu công suất lớn ở cảng này chưa xuất bến nhiều cho chuyến dài ngày. Bởi chi phí đánh bắt tăng cao, nguồn lợi hải sản đang khan hiếm dần; mỗi chuyến đi không thu được nhiều sau khi trừ phí tổn. Các chủ tàu bám biển một phần tạo việc làm cho các bạn thuyền gắn kết với mình lâu nay và để giữ chân họ. Giải pháp tình thế trước mắt với các tàu công suất lớn là bám biển dài ngày hơn, mong đánh bắt được hải sản bù chi phí giá dầu tăng; và họ cũng đang tính đến đăng ký đánh bắt khu vực Trường Sa..., nhận thêm được khoản hỗ trợ của Nhà nước về đánh bắt xa bờ (hành trình tàu cá phải có xác nhận của các điểm, đảo hải quân)… Hiện toàn tỉnh mới có hơn 300 tàu trong số trên 2.000 tàu công suất lớn khai thác khu vực Trường Sa.

Được biết, tàu công suất 400CV trở lên hoạt động đúng vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1 được Nhà nước hỗ trợ 240 triệu đồng trong năm. Những năm qua, nguồn vốn này đã dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ cho hàng trăm lượt ngư dân trong tỉnh khai thác vùng biển trên.                        

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bám biển dài ngày để bù phí tổn