Theo dõi trên

Bàn phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long

06/02/2020, 10:24 - Lượt đọc: 1

BTO- Chiều 4/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, bàn giải pháp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản của tỉnh trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và doanh nghiệp liên quan.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến hết sức phức tạp tại Trung Quốc, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch này ngày càng tăng nhanh. Các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc cũng đã tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Tuy vậy, diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, dự báo có thể kéo dài tạm dừng thời gian thông thương hàng hóa giữa hai nước. Do vậy, thời gian sắp đến tình hình xuất khẩu nông thủy sản của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Bình Thuận, tổng diện tích thanh long gần 30.000 ha. Trong đó diện tích xử lý đèn thanh long ra trái vụ trong giai đoạn này khoảng 10.000 ha, với sản lượng khoảng 85.000 - 100.000 tấn. Gồm Hàm Thuận Nam 50.000 tấn, Hàm Thuận Bắc 20.000 tấn, Bắc Bình 5.000 tấn; các huyện, thành phố, thị xã còn lại là khoảng 10.000 tấn, thời gian thu hoạch từ nay đến cuối tháng 2/2020. Sức mua tại nhà vườn hiện nay đang có xu hướng giảm mạnh khi Trung Quốc ngừng thông quan hàng hóa, Chính phủ đóng cửa biên giới, một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đã ngừng thu mua. Hiện tại giá mua tại nhà vườn chỉ dao dộng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, có nơi rất thấp, dự kiến thời gian đến nếu các cửa khẩu đóng cửa kéo dài thì các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và người trồng thanh long sẽ rất khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, để đảm bảo hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của tỉnh được thuận lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại, trước mắt Sở Nông nghiệp và PTNT xác định sản lượng thanh long trong tháng 2, tháng 3, tính toán phương án lưu kho; tính toán sản lượng thu hoạch cần tiêu thụ hàng tuần. Các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo nông dân có kế hoạch sản xuất hợp lý. Đối với những hộ trồng thanh long không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không nên tiếp tục chong đèn. Các đơn vị liên quan nghiên cứu chính sách, gia hạn nợ... cho nông dân. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Côngthương phải có phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long, có văn bản gửi các tập đoàn bán lẻ lớn trong nước để hỗ trợ tiêu thụ thanh long. Vận động doanh nghiệp thực hiện lưu trữ kho đông lạnh, kho mát để bảo quản; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở tiêu thụ, chế biến. Tăng cường các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ khác hiện có ngoài Trung Quốc. Tăng cường kiểm tra giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Về lâu dài, ông Lê Tuấn Phong nhấn mạnh: Đây cũng là dịp để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, các địa phương, ban ngành nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường là tất yếu. Vì vậy phải tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai ngay với những giải pháp cụ thể, đồng bộ, hiện đại để sản xuất, tiêu thụ cho ngành hàng phát triển bền vững. Trong đó, khuyến khích, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao công suất, đẩy mạnh hoạt động chế biến sản phẩm nông sản tại chỗ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu...

 KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long