Theo dõi trên

Bao giờ hết “giải cứu” nông sản?

08/10/2018, 08:16 - Lượt đọc: 97

 BT- Những ngày qua, giá thanh long giảm sâu chỉ còn vài ngàn đồng/kg khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên. Và đâu đó, nhiều người rỉ tai nhau “hay là làm cuộc “giải cứu” cho nông dân Bình Thuận?”. Trong khi tại vùng đất có diện tích thanh long lớn nhất nước, nhà vườn đổ đống, không thèm thu hoạch khi trái chín đỏ cây, thì nghịch lý rằng, các tỉnh phía Bắc giá thanh long vẫn cao ngút.

Câu chuyện “giải cứu” nông sản dường như năm nào cũng diễn ra, hết heo hơi, dưa hấu, vải thiều, đến khoai lang, mía đường, thanh long… Bao nhiêu cuộc họp, hội nghị bàn giải pháp diễn ra, nhưng năm nào tình trạng này cũng tái diễn, cho thấy nông dân làm nông nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo, chưa tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa hoạt động sản xuất và nhu cầu thị trường. Chúng ta đều biết, Việt Nam có khoảng 80% là nông dân hoặc những doanh nghiệp liên quan đến nông sản. Sau ngày “đổi mới” đến nay, người nông dân hoàn toàn quyết định trồng loại cây gì trên mảnh ruộng của mình. Điều này vừa thuận lợi, vì Nhà nước không còn áp đặt như thời bao cấp, nhưng lại bất lợi vì đa phần nông dân bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo. Manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, đó là những thói tật mà người nông dân đang mắc phải và họ đang phải trả giá.

Không phải đến năm nay, tình trạng thanh long đổ đống ngoài vườn không có người mua mới xuất hiện mà hơn 10 năm qua, tình trạng phập phù giá cả của “cây xóa đói, giảm nghèo” đã từng đưa một số gia đình thành tỷ phú và cũng không ít gia đình trắng tay vì loại cây này. Còn nhớ cách đây 3 năm, giá thanh long tại vườn có lúc rơi xuống còn 500 đồng/kg, nhưng bị thương lái chê ỏng chê eo. Một doanh nghiệp tại Hà Nội đã nhảy vào “giải cứu”, như vị cứu tinh của nông dân lúc đó. Một năm sau, vụ mùa năm 2016, giá thanh long bỗng vọt lên 20.000  - 25.000 đồng/kg, nhưng không có để bán, nông dân tiếc hùi hụi. Thấy “có ăn”, năm sau nhà nhà lại đổ xô chong đèn, giá thanh long lại tụt còn 1.000 đồng/kg. Hàng nghìn hộ nông dân ngửa cổ kêu trời!

Có người trách rằng, sao các nhà quản lý không đưa ra lời cảnh báo nào để nông dân phải lãnh hậu quả? Nói thế thì cũng oan cho nhà quản lý, vì không một ai có thể đưa ra những dự báo về giá cả nông sản. Vậy thì làm cách nào để không còn cảnh “giải cứu nông sản” mỗi khi cá, chuối, vải thiều rồi thanh long… không tiêu thụ được? Có lẽ không cần phải đưa ra những lời khuyên nặng tính sách vở mà phải đi tìm hiểu những mô hình thành công. Một nông dân ở Long An có hàng trăm ha chuối, nhưng không có chuối để bán, trong khi đó, chuối ở tỉnh Đồng Nai sát bên thì cho bò ăn không hết. Anh nông dân Long An thắng lớn, vì anh ta trồng theo phương pháp khoa học (không bón phân và phun thuốc trừ sâu), lại liên kết được với các nhà tiêu thụ. Không phải Bình Thuận không có các công ty sản xuất thanh long đạt chuẩn Global GAP, VietGAP nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Do đó, một sản phẩm sạch, sẽ như một tấm hộ chiếu để sản phẩm ấy có mặt khắp năm châu, chứ không lệ thuộc một thị trường nào. Những người trồng dưa, nuôi cá và các loại nông sản khác cũng nên học tập “tấm gương” này, để tránh tình trạng trúng mùa được giá thì lặng lẽ… mua vàng cất vào tủ, còn mất mùa thì kêu mọi người xăn tay áo “giải cứu”!

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ hết “giải cứu” nông sản?