Theo dõi trên

Bảo vệ người tiêu dùng trước “mê trận” của hàng giả...: Cơ quan… một người và ông chủ tịch 10 năm không lương

06/05/2016, 09:19

BT - Gần đây, tại Bình Thuận rộ lên hàng loạt các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong khi người tiêu dùng hoang mang, không biết chọn lựa thực phẩm như thế nào và cả không biết kêu ai khi mua phải thực phẩm không an toàn… thì tôi tìm đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Bình Thuận (Số 4 Nguyễn Hội, TP. Phan Thiết)  với mong ước tìm được lời giải đáp.  

         
   

         

            Khách mua hàng tại Siêu thị Điện máy xanh. Ảnh có tính chất minh    họa.

Cơ quan… một người

Hẹn gặp ông Long, Chủ tịch Hội vào lúc 8 giờ sáng tại văn phòng hội.  Nhưng khi tôi đến đã thấy ông ngồi ở bàn đá gần cổng cơ quan tự bao giờ. Hình như đó là thói quen hàng ngày của ông - ngồi trà nước với người bảo vệ của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Chi cục) trước giờ làm. Hình ảnh người đàn ông  ngoài 70 tuổi, tóc gần như bạc trắng. Nhưng với khuôn mặt tròn, da trắng, trông ông khá trẻ so với tuổi. Hàng ngày trong bộ quần áo sơ mi đóng thùng, trông ông vẫn còn linh hoạt. Tôi theo chân ông vào thẳng văn phòng… hội. Căn phòng khá rộng rãi, thoáng mát. Giữa cái nắng mùa hè oi bức, tiếng kẽo kẹt, xoay đều của chiếc quạt trần xua tan bớt cái nóng. Phòng có 2 chiếc máy tính để bàn, một chiếc bàn lớn ở giữa, kế đó là chiếc bàn làm việc với vô số giấy tờ, tài liệu. Ông Long nói: “Phòng ốc làm việc đến máy tính, trang thiết bị…, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Bình Thuận… đều dùng “ké” của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng”. Dừng một lúc ông giải thích thêm: “2 máy tính là của Chi cục. Mỗi khi một trong hai máy tính này không sử dụng đến là tôi mượn để viết báo cáo, kế hoạch…”. Mặc cho tôi ngạc nhiên, ông vẫn bình thản như không có gì. Ông bảo, suốt 10 năm Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Bình Thuận ra đời, nếu không có Chi cục thì Hội cũng “buông” rồi…

Qua trò chuyện, tôi vỡ lẽ thêm, đã 10 năm nay - kể từ khi thành lập, ông Long không hề hưởng lương hay bất kỳ trợ cấp nào... đúng nghĩa một người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đáng kính, tất cả cũng chỉ vì cuộc sống  của nhiều người!

Năm tháng và cuộc đời

Vuốt ngược mái tóc, nhớ lại những năm tháng đã qua, ông Ba Long trần tình với tôi những sự kiện của một thời. Ngồi đối diện với tôi, ánh mắt ông trông xa xăm, ưu hoài. Một thoáng yên lặng trôi qua, ông chậm rãi kể tôi nghe câu chuyện  đời ông và vì sao ông gắn bó với cái hội mà tôi đang tìm hiểu. Ông quê ở Hòa Thắng (Bắc Bình). Năm 1962, ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Năm 1968 được cử đi Hung Ga Ri học ngành điện và về nước năm 1974. Đầu năm 1975 ông trở về Bình Thuận. Ông là một trong những người thành lập ra Ty Công nghiệp Thuận Hải. Rồi chuyện ông đã trúng cử vào HĐND tỉnh. Đáng nhớ nhất đối với ông là thời điểm đoàn công tác của điện lực Trung ương về Sài Gòn quy hoạch lưới điện giai đoạn 2 của miền Nam Việt Nam. Lúc này, ông là Phó Giám đốc Sở Công nghiệp, kiêm Trưởng ban quản lý công trình. Để kéo được điện lưới về Phan Thiết, ông ra sức chạy vạy để kéo được đường điện 110 KV đến Bình Thuận. Cuối năm 1990 hoàn thành lưới điện. Hai năm sau, tỉnh rút ông về làm thư ký HĐND tỉnh và đến năm 1994, ông được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Năm 2000, ông Long chuyển  qua làm Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp Bình Thuận. Đến năm 2005 ông có quyết định về hưu…

Nghe kể về quá trình làm việc thời gian qua, tôi biết lòng ông vẫn còn nhiều tâm tư, nhưng đó là chuyện đã qua. Còn hôm nay, ông ngồi đây trò chuyện với tôi khi mái đầu đã bạc. Quả thực, thời gian trôi cũng khiến cho sức trẻ của con người giảm đi nhiều. Còn nhớ cách đây chừng 7 năm, tôi gặp vợ chồng ông lần đầu trong một chuyến về nguồn tại quê hương ông - mảnh đất Hòa Thắng anh hùng. Khi ấy, trông ông còn khá trẻ, khỏe và năng động hơn bây giờ rất nhiều. Bây giờ gặp lại, vẫn con người ấy, dáng đi ấy, nhưng có lẽ một phần do thời gian, một phần ông vừa bình phục sau khi trải qua cuộc phẫu thuật nên sức khỏe đã giảm sút.

Vì cuộc sống nhiều người

Lẽ thường khi nghỉ hưu, sẽ là thời gian dành cho bản thân, gia đình. Nhưng với ông Ba Long lại khác, chỉ sau mấy tháng nghỉ ngơi, ông được vận động tham gia công tác tại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng. Thời điểm này (giữa năm 2006), cả nước chỉ có 27 tỉnh có hội và Bình Thuận là tỉnh thứ 28 thành lập. Ông xin 5 ngày để suy nghĩ rồi đưa ra quyết định: “Đồng ý”. Vậy là ông trở thành người đứng ra xây dựng Ban vận động, xây dựng kế hoạch, dự thảo điều lệ, vận động hội viên tham gia. Đầu năm 2007, ông làm văn bản đề nghị  UBND  tỉnh cho phép đại hội chính thức. Lúc này, toàn tỉnh có trên 70 hội viên, chủ yếu là công chức ở các cơ quan sự nghiệp. Có quyết định thành lập hội vào ngày 15/3/2007. Ông trở thành Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng từ đó đến nay. Tôi hỏi ông: “Vậy vợ chú có phản ứng gì không?” . “Có chứ”- ông nói. “Bả phản đối dữ lắm. Không phải vì đi làm không có lương mà vì sợ tôi bệnh tật, tai nạn dọc đường…”. Người vợ nào chẳng lo lắng cho chồng, khi hàng ngày tự mình chạy xe máy từ nhà (Khu dân cư Hùng Vương - TP. Phan Thiết) đến văn phòng hội. Trong khi sức khỏe yếu thì nỗi lo của người vợ cũng là điều dễ hiểu. Để được bà xã đồng ý, ông Long động viên vợ: “Em à, anh nghỉ hưu rồi ở nhà cũng buồn. Đi làm với hy vọng bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có em nữa…”. Vậy là bà xã đành chấp nhận theo ý chồng.

 Giai đoạn đầu mọi hoạt động của hội không có một đồng kinh phí. Lý do, đây là hội xã hội nghề nghiệp nên không được Nhà nước cấp tiền hoạt động. Duy chỉ trong năm 2007, hội tổ chức thu hội phí 24 ngàn đồng/người/năm. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay không thu nữa, bởi theo ông, mình chưa mang lại lợi ích gì cho hội viên thì sao lại thu hội phí của họ? Mọi hoạt động của hội như: khảo sát thị trường, đi công tác… thời gian qua, ông đều tự bỏ tiền túi. Từ năm 2013 đến nay, hội được UBND tỉnh cấp tiền chi cho các hoạt động như công tác phí… với số tiền tương ứng năm 2013 là 30 triệu đồng, năm 2014 là 23 triệu đồng và năm 2015 cấp 31 triệu đồng, riêng năm 2016 tỉnh chưa cấp. Khi có tiền hoạt động thì lại không có người làm. Đã có lần ông xin tỉnh cho 2 hợp đồng lao động, chi trong số tiền được cấp hoạt động, nhưng không được chấp nhận. Có lẽ vì lý do: Chủ tịch Hội làm việc không có lương, sao nhân viên lại có lương? Thế là cơ sở hội chỉ có một mình ông chủ tịch lặng lẽ vào ra hàng ngày.

Dường như đã lâu lắm, ông Ba Long mới có dịp trần tình hết những cái khó mà hội đang gặp. Cũng dễ hiểu, vì thời buổi  này, mấy ai có nhiệt huyết làm việc khi không được hưởng chút lợi ích nào? Ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng, làm chủ tịch hội, đương nhiên sẽ có lương, trợ cấp. Nhưng không, ròng rã suốt thời gian ấy, đến nay ông vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, với mong muốn góp sức bảo vệ người tiêu dùng trước “mê trận” của hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Long kể với tôi, có lần xuống huyện, ông đã cố thuyết phục một vị cán bộ đứng ra thành lập hội ở cấp huyện, xã.  Nhưng khi vị cán bộ hỏi ông: “Có kinh phí hoạt động không anh?” - “Có”. Vậy có lương, trợ cấp gì không? - “Không”- ông trả lời thẳng thắn. Vậy là cuộc vận động của ông thất bại do… không ai muốn làm việc không công.

Trong ánh nhìn xa xăm của ông, tôi biết đây là một trong những khó khăn nhất trong hoạt động của hội. Do làm công không lương, không được hưởng lợi, nên việc thu hút hội viên, thành lập hội ở cấp huyện, xã… không thực hiện được. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có ông Long là một trong những người đã thành lập ra hội và gắn bó 10 năm nay. Đây là lý do khiến tôi nể phục ông. Ông cho biết thêm: Năm 2015, do không có nhân lực hoạt động, khó khăn trong việc giải ngân, cảm thấy đơn lẻ, lực bất tòng tâm, một phần vì tự ái, ông đã trả lại toàn bộ  kinh phí tỉnh cấp. Công việc của hội sau đó càng thêm khó, khi ông Ba Long bị bệnh và phải phẫu thuật, dưỡng bệnh mất mấy tháng trời.

Trong giọng kể của ông, tôi cảm nhận được sự trăn trở của người đứng đầu  Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng nhưng chưa làm được nhiều cho cộng đồng. Theo ông Long, toàn tỉnh hiện có 171 hội viên, chủ yếu tại TP. Phan Thiết. Ban chấp hành hội hiện có gần 15 người, họp 1 năm/lần. Riêng Ban thường vụ 5 người, họp định kỳ 1 quý/lần. Hội được sự quản lý của Sở Công Thương. Nói đến đây, ông Long lắc đầu: “Nói là vậy, nhưng 2 năm nay Ban thường vụ không họp được do chỉ có 1 - 2 người tới tham dự. Còn số lượng hội viên cũng chỉ là cái danh vì lâu nay không hoạt động”. Công việc báo cáo, tiếp nhận đơn thư… vẫn do ông tự mày mò và  cũng như nhờ văn thư của chi cục  chuyển giúp công văn…

Lực bất tòng tâm

Đang ngồi trò chuyện, ông Chủ tịch Hội rút trong tập tài liệu, cho tôi xem xấp đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Ông còn đưa tôi quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ, đầu công việc cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện trong năm 2016. Nhìn vào nội dung nhiệm vụ, tôi thấy có rất nhiều việc quan trọng được UBND tỉnh giao. Đó là tiếp nhận những khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng; thực hiện việc hòa giải hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng; khảo sát tình hình giá cả thị trường, nhất là nhóm các mặt hàng thiết yếu… Nhiệm vụ được giao là vậy, nhưng theo ông Long, có nhiều việc ông không thể kham nổi. Nhất là chuyện đi khảo sát giá ở thị trường vì không có nhân lực, phương tiện... Theo thực tế làm việc của ông trong 10 năm qua, dù bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng hội lại không có “tiếng nói”, hầu như không có quyền nên rất khó xử lý công việc.

         
   

   

            Đơn khiếu nại của người tiêu dùng được gửi đến hội.

Nỗi niềm

Ngày ngày đến làm việc tại trụ sở, chiều về vui vầy cùng vợ con và cháu nội, ngoại. Đó cũng là cuộc sống bình dị của ông. Tuy nhiên, mỗi tối đến mở tivi lên xem thông tin, thời sự trong và ngoài tỉnh, ông lại bàng hoàng khi được thông tin nhiều vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm bị phanh phui như chất cấm trong chăn nuôi, chất gây ung thư làm giò chả, những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm… Quả thực những lúc như thế, bản thân không dám xem nữa và càng thấy bất lực. Nhất là những ngày gần đây, cả xã hội  đang lo toan để nói không với thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái…Người tiêu dùng không được bảo vệ, ông lại càng mang nhiều nỗi tâm tư, trăn trở…

Năm nay tròn 71 tuổi. Ông Long cho biết, đang chuẩn bị các nội dung để chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới. Khó khăn nhất hiện nay là chưa tìm ra người thay thế ông giữ chức Chủ tịch Hội. Lý do, mấy ai sẽ như ông, sẵn sàng làm việc mà không có đồng lương nào? Để tháo gỡ những cái khó này, ông Long đang dự kiến đề xuất cấp trên xem xét, đổi tên từ “Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng” thành “Hội Bảo vệ người tiêu dùng Bình Thuận”, trở thành một tổ chức của xã hội, hội đặc thù để được cấp kinh phí, được trả lương… Có như vậy, mới mong hoạt động của hội khởi sắc trong tương lai. Để cơ quan của hội không còn… một người như hiện nay nữa.

Kết thúc buổi trò chuyện, tôi xin phép được chụp hình, nhưng ông tế nhị từ chối. Khi chia tay, ông không quên kèm theo lời chúc tôi giữ gìn sức khỏe. Nhìn lại bóng dáng ông, tôi vẫn còn nhớ ánh mắt nhìn xa xăm, chứa đựng chiều sâu của tâm tư, trăn trở về nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua mình chưa làm được trọn vẹn…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ người tiêu dùng trước “mê trận” của hàng giả...: Cơ quan… một người và ông chủ tịch 10 năm không lương