Theo dõi trên

Bất cập trong thông luồng cửa sông, cửa biển

01/08/2017, 09:47

Cần cơ chế thông luồng


Bài 2: Đâu là giải pháp?

BT- Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu cũng như việc đầu tư nhiều hệ thống hồ đập ở thượng nguồn các sông làm lưu lượng nước các sông giảm, việc đầu tư hệ thống đê kè dọc bờ biển cũng tác động tới dòng chảy ven bờ gây ra tình trạng bồi lấp tại các cửa sông, cửa biển, với xu hướng nhanh và phức tạp hơn. Từ đặc điểm và tính chất nêu trên, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng bồi lấp các tuyến luồng tại các cửa sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở hiện trạng bồi lấp và yêu cầu thông luồng của từng cửa biển nhằm đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất của ngư dân trong mùa mưa bão năm 2017, giải pháp cụ thể cho từng cửa sông, cửa biển cụ thể đã được tính toán. Theo đó, đối với cửa sông Liên Hương: Kết quả khảo sát cho thấy đáy luồng chủ yếu là đá, sỏi nên không thể thực hiện nạo vét theo phương thức xã hội hóa, tận dụng cát nạo vét, lấy thu bù chi. Mặt khác, việc nạo vét luồng, vùng neo đậu cửa sông Liên Hương là một hạng mục của dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Liên Hương (đã đầu tư hoàn thành đê, kè, bến cá), do đó cần thiết phải bố trí vốn ngân sách để nạo vét.

                
   Nạo vét cửa biển tại thị xã La Gi.

Trước mắt, trong thời gian chờ cân đối vốn ngân sách, việc xử lý các điểm, đoạn bị bồi lấp cục bộ trên tuyến luồng ra vào, giao UBND huyện Tuy Phong vận động ngư dân và sử dụng kinh phí khắc phục thiên tai của địa phương sử dụng phương tiện phù hợp để khơi thông luồng ra vào. Riêng cửa biển Phan Thiết (sông Cà Ty), đối với tuyến luồng hàng hải và khu vực cảng vận tải Phan Thiết: Thực hiện theo phương án của Cục Hàng hải Việt Nam là đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận sử dụng phần vượt thu phí đảm bảo hàng hải giao Tổng công ty đảm bảo hàng hải Miền Nam sớm triển khai nạo vét. Đối với vũng quay tàu và vùng nước trước bến 400CV của Cảng cá Phan Thiết: Tuy có tình trạng bồi cạn, song trước mắt tàu thuyền vẫn có thể cập bến tiêu thụ sản phẩm. Để xử lý bồi lấp, kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí vốn ngân sách để nạo vét duy tu.

Tại cửa biển La Gi, hiện khu vực luồng vào từ cửa biển đến cảng cá La Gi đã bố trí vốn nạo vét, giao Chi cục Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện nạo vét tuyến luồng theo thiết kế được duyệt; hoàn thành trước tháng 10/2017. Đối với khu vực cửa biển Ba Đăng, thị xã La Gi, sở kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất đề xuất của UBND thị xã La Gi cho phép Công ty Việt Nhật nạo vét đợt 3 theo phương án thông luồng tạm để đảm bảo cho tàu thuyền ra vào cửa biển… 

Những giải pháp lâu dài

Hiện tượng bồi lấp các cửa sông, cửa biển mang tính quy luật do tác động của các yếu tố tự nhiên. Vì vậy, việc xử lý căn cơ, lâu dài tình trạng bồi lấp luồng lạch, cửa biển phải dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát và thông qua các mô hình tính toán do các đơn vị khoa học chuyên ngành thực hiện.

Tại một cuộc họp về vấn đề liên quan mới đây, ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp & PTNT cho hay, việc nạo vét duy tu luồng lạch, vũng đậu tàu và vùng nước trước bến thực hiện theo quy trình, quy phạm quản lý, sử dụng luồng trong khu vực cảng, khu neo đậu trú bão. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn lực để các Ban quản lý cảng, khu neo đậu thực hiện nạo vét duy tu luồng lạch định kỳ theo đúng quy trình, quy phạm. Kinh phí nạo vét duy tu luồng lạch định kỳ được sử dụng từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán hằng năm của các Ban quản lý cảng, khu neo đậu tránh bão. Trong các tình huống thiên tai hoặc diễn biến bất thường gây bồi lấp cửa biển có nguy cơ gây thiệt hại tài sản, tính mạng cho lực lượng sản xuất thì các Ban quản lý cảng cá và khu tránh bão cho tàu cá được thực hiện các biện pháp thông luồng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng. Từ năm 2018 trở đi, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì lập kế hoạch dự toán ngân sách tỉnh thực hiện nạo vét, duy tu định kỳ luồng lạch tại các cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế tự chủ tài chính phù hợp mô hình quản lý, bao gồm cơ chế tận thu vật liệu nạo vét, các khoản thu đối với tàu thuyền sử dụng cảng, đầu tư phương tiện cần thiết đảm bảo công tác quản lý luồng lạch, chủ động xử lý kịp thời các sự cố bồi lấp.

Đối với các cửa biển Ba Đăng, thị xã La Gi; cửa Hồ Lân và Hà Lãng, huyện Hàm Tân do chưa có nghiên cứu đánh giá các tác động ảnh hưởng và luận chứng có cơ sở về phạm vi, quy mô nạo vét, thì chỉ duy trì luồng lạch theo phương án thông luồng tạm. Không xem xét giải quyết các dự án nạo vét luồng lạch cửa biển, tận thu cát theo phương thức xã hội hóa để tránh “lợi bất cập hại”, gây tác động xấu môi trường. Để giải quyết một cách căn cơ, lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở những khu vực này, cần thiết phải triển khai lập quy hoạch chi tiết khu vực neo đậu, trú bão gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển, xác định phạm vi, diện tích khu vực neo đậu, trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá; định vị và xác định quy mô các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Đồng thời, UBND tỉnh giao các sở ngành chức năng tích cực làm việc, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu để sớm triển khai đầu tư xây dựng các khu tránh bão tại các cửa sông, cửa biển này trong kỳ quy hoạch.

    
      Liên quan đến việc giải quyết bất cập về thông luồng cửa sông, cửa biển,   Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam chỉ đạo, ngoài các giải pháp do Sở   Nông nghiệp & PTNT đề xuất, các cửa sông chưa có kè chống sạt lở thì   tiến hành nạo vét tạm để thông luồng. Hiện nay mùa mưa bão đang tới, đề   nghị các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến luồng lạch, xử lý các   tình huống xảy ra khi tàu bị sa cồn, sa bãi cạn…

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất cập trong thông luồng cửa sông, cửa biển