Theo dõi trên

Biển Bình Thuận lúc này cần nhiều cội chà

27/04/2018, 09:34

BT- Đây là đề tài không mới bởi vài năm trước đây, người viết bài này đã có bài “Khôi phục nghề chà là cần thiết” đăng trên Báo Bình Thuận. 

Nghề thả chà hay cội chà  là cách gọi chỉ việc thả cây, lá… xuống biển, tạo thành những rạn nhân tạo trên hướng cá di chuyển để qua đó dụ cá đến ở. Đây là một nghề có từ xa xưa, mang  nguồn lợi đáng kể cho ngư dân. 

                
Ngư dân mua lá dừa làm cội chà.

Có thể nói, trong vài năm gần đây, không ít ngư dân ở xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam), phường Phú Hài (Phan Thiết) đã chú ý hơn đến cội chà. Vào những ngày tháng giêng, tháng hai, đi dọc đoạn sông chảy ven đường từ nội thành Phan Thiết ra Phú Hài, thấy ngư dân tập trung lá dừa, đá tảng (vật liệu làm chà) khá nhiều. Song, nếu gọi đó là sự trở lại của  nghề thả chà thì chưa phải bởi lượng chà thả còn ít do trên vùng biển Bình Thuận hiện nay, có không ít tàu thuyền hành nghề giã cào bay “chà đi xát lại” kiếm cá; chưa kể, một số người thường chọn những cội chà hay lén lút dùng chất nổ đánh cá… Để có một cội chà, người dân phải bỏ ra trên 20 triệu đồng mua vật liệu như: tre đặc ruột, lá dừa… (chưa tính công vận chuyển ra biển, thả xuống biển), nhưng chỉ cần một thuyền giã cào bay “cào” qua, cội chà khó mà tồn tại. Đây là một trong những lý do làm ngư dân băn khoăn trong việc khôi phục nghề chà. Tuy nhiên, về lâu dài, khôi phục nghề chà là cần thiết, bởi biển Đông những năm qua xuất hiện không ít đội tàu khai thác hải sản bất hợp pháp của Trung Quốc; trữ lượng  hải sản vì thế không tránh khỏi suy kiệt khi mà lượng khai thác lớn hơn sự tăng trưởng hàng năm của ngư trường. Chưa kể, tàu thuyền đánh bắt cá Trung Quốc gây nhiều thiệt hại cho tàu thuyền chúng ta trên biển, qua đó triệt hạ sinh kế của ngư dân, khiến ngư dân bám biển ngày một ít đi. Đơn cử, mới đây Báo Thanh Niên, đưa tin: “8 giờ ngày 20/4 ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông - Đông Nam, 2 tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS khi trên tàu này đang có 6 ngư dân”.  Do vậy, để phát triển nghề cá nhân dân thì cùng với việc kêu gọi ngư dân kiên trì bám biển đánh bắt, khẳng định chủ quyền biển Đông, giải pháp khôi phục nghề chà là cần thiết, để  làm tăng lượng đàn cá trong vùng đánh bắt ven bờ và hơi xa bờ. Theo nhiều người lớn tuổi ở phường Đức Thắng, Lạc Đạo (Phan Thiết), một cội chà hay (thường xuyên cho nhiều cá) có thể giúp chủ cội chà đánh cả chục tấn cá/năm. Trước đây, 1 cội chà hay được bán sang tay 1 tỷ đồng là chuyện thường. Tuy nhiên để nghề chà tái phát triển, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý tốt số thuyền giã cào bay cũng như vùng hoạt động của phương tiện đánh bắt này. 

H.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Bình Thuận lúc này cần nhiều cội chà