Theo dõi trên

Biển sinh sôi

22/02/2018, 08:10

BT- Tháng 12, mùa bấc thổi. Thuận Quý trong một ngày vui cuối năm chuyển sang thời khắc mùa xuân. Ít ai ngờ, xã bãi ngang từ lâu không có nhiều thuận lợi trong một ngày lại thu hút nhiều vị khách lạ, từ xa xôi về hội tụ. Ở đó mở ra một cuộc thay đổi, thay đổi trong đời sống, thay đổi trong quan niệm cố hữu và thay đổi một cách nhìn mới trong quản lý. Và ở đây, ngư dân là người tiên phong quyết bám giữ nguồn tài nguyên nơi mình đang sống...

                
Thăm dò sò lông.

Lá thư của ngư dân

Năm 2017, một năm với nhiều cung bậc cảm xúc, khi mà một dự án nhỏ bé xây dựng trên mô hình “Đồng quản lý” sò lông trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt được kết quả đáng mừng. Và đáng ngạc nhiên hơn, khi ước mơ, trăn trở của ngư dân được chấp nhận. Năm 2014, Hội Nghề cá nhận được một lá thư viết tay của một ngư dân thứ thiệt gởi đến với chi chít những lỗi chính tả, những câu văn không trọn vẹn, nhưng lại đủ đầy một tình yêu với biển, với cái nghề cha ông để lại. Ông tên Nguyễn Nùng (xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam). Khi còn là một cậu trai trẻ theo cha ngày ngày xuống biển, vui buồn lẫn âu lo. Ông lớn lên, theo nghề cha nhưng cũng là lúc chứng kiến nguồn sống của ngư dân là ốc, sò, cá, tôm, mực...  đang mất dần và đến hồi cạn kiệt.

Năm 2008, ông Nùng mạnh dạn viết đơn gởi đến chính quyền địa phương đề xuất một ý tưởng “giao quyền cho cộng đồng ngư dân bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Thuận Quý”. Ý tưởng ấy, với các nhà quản lý gần như bất khả thi. “Lúc đó, thiếu cơ chế, thiếu chính sách và nhiều nguyên nhân khác. Không ai tin chúng tôi nên đã không thành hiện thực” – ông Nùng chia sẻ. 4 năm sau, không mệt mỏi, lá thư đó đến tay Hội Nghề cá Bình Thuận, cụ thể là ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản bây giờ. Ông Huy vốn dĩ là người yêu biển, sống chết với ngư dân, hẳn cũng nhìn thấy điều ngư dân đang trăn trở. Ông Huỳnh Quang Huy đã âm thầm tìm mọi phương án. May mắn nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (UNDP/GEF SGP) tiếp cận dự án, tưởng đã mỉm cười nhưng dự án tiếp tục rơi vào khó khăn. “Lúc đó thiếu phương tiện, kinh phí, các quy định của Nhà nước, thiết bị và ngay cả trình độ ngư dân cũng còn hạn chế, dù họ có quyết tâm cao” – ông Huỳnh Quang Huy cho biết. Bản thân ông Nùng và nhiều ngư dân tâm huyết cũng chưa thể hiểu được “Đồng quản lý” là cái mô tê gì nữa. Mãi sau này, khi bắt tay vào làm, ông Nùng và các thành viên: “À, thì ra là mọi người cùng làm, nhân dân và Nhà nước cùng làm, thế thôi”.

                
Thả sò lông non.

Để bắt tay vào làm và huy động nhiều người cùng với nguồn lực, phải là những ngư dân có uy tín, tạo được niềm tin cho cộng đồng. Ông Nùng đi từng nhà, nói chuyện, phân tích và đưa ra những dự báo không may nếu như một ngày nào đó nguồn lợi thủy sản không còn, đồng nghĩa nguồn sống bao đời bị thu hẹp. Viễn cảnh nghèo đói, khó khăn được vẽ ra sống động trong đôi mắt  nhiều vết chân chim và đôi tay chai sần bởi thời gian, đã khiến ngư dân trong làng đến với ông, để sau 3 năm nay thành quả được bù đắp trọn vẹn.

Chìa khóa trao tay

Thành quả hôm nay, là công sức của nhiều con người yêu biển, yêu  nơi mình đang sống. Dự án đã thành công ngoài sự mong đợi, có cả niềm vui mừng của bà con ngư dân, những người “nặng lòng” với dự án này. Ông Nguyễn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch xã Thuận Quý, cho biết: Thực tế dự án này cũng xuất phát từ nguyện vọng của bà con ngư dân và trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhưng địa phương luôn nhận được sự hỗ trợ từ  Hội Nghề cá, để có được thành công hôm nay”.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 16,5 km2 tại vùng biển xã Thuận Quý. Mô hình đã giúp nguồn lợi sò lông được phục hồi, mật độ tại thời điểm cao nhất đạt khoảng 150 con/m2, thời điểm đạt thấp nhất khoảng 10 con/m2. Bên cạnh đó,  nhiều tôm hùm con, cá ngựa xuất hiện trong vùng dự án, sản lượng mực, một số loại cá có sự gia tăng đáng kể. Theo Ban quản lý dự án nhận định, vùng biển xã Thuận Quý có nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, vì thế mô hình này giúp cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho ngư dân. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hội Nghề cá nhìn nhận: “Sau thành công đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi điệp quạt ở Phước Thể (Tuy Phong) thì đây là mô hình đồng quản lý thành công thứ hai. Để tiếp tục thực hiện tốt dự án, địa phương cần có kế hoạch, giải pháp phát triển mô hình bền vững và lâu dài để có cơ sở thực hiện khi dự án kết thúc. Bên cạnh đó, các ban, ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện dự án như cam kết. Trong khi chờ Luật Thủy sản có hiệu lực, tôi hy vọng UBND tỉnh cho phép áp dụng điều 10 đối với mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông tại Thuận Quý về giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng ngư dân. Vì không ai khác hơn chính họ mới làm chủ tài sản mà họ đang nắm giữ và họ biết cách phát triển nó bằng kinh nghiệm của mình”.

Hiện tại, mô hình này có 54 thành viên – là những ngư dân đúng nghĩa, họ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thuận Quý muôn vàn khó khăn từ thuở khai hoang lập nghiệp. Và cũng chính họ cho thấy, sức mạnh của ngư dân luôn đi trước những nhà quản lý bằng kinh nghiệm, để mang về trái ngọt cho đời.

    
  

  Ông   Hidenao Watanabe – Chuyên gia chính sách quản lý nghề cá (JiCa Nhật   Bản), cho biết: “Ngư dân cùng sử dụng nguồn lợi thủy sản cho sinh kế của   họ nên rất có trách nhiệm trong quản lý. Điều đó, chứng minh qua sự   thành công của dự án này, họ biết cách quản lý, sử dụng nguồn lợi như   thế nào là hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngư dân biết dựa vào   nhau, trong sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước, tôi   nghĩ rằng nguồn lợi sẽ được phát triển và bảo vệ tốt hơn trong tương   lai”.

    

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển sinh sôi