Theo dõi trên

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN TUY PHONG LẦN THỨ IX, NHIỆM KỲ 2020 - 2025:

30/06/2020, 10:11

Biến thách thức thành lợi thế

BT- Tuy Phong đã biết khai thác những lợi thế, tiềm năng địa phương, thu hút khá nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa “diện mạo” địa phương phát triển vượt bậc trong 5 năm qua…

                
   Cảng Quốc tế Vĩnh Tân.

Công nghiệp phát triển nhanh

Ông Nguyễn Thành Siêng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Phong cho biết: “5 năm qua (2015 - 2020), trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen nhau, Đảng bộ, quân, dân trong huyện đoàn kết nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, kinh tế tiếp tục được tăng trưởng khá, các ngành có thế mạnh và sản phẩm chủ lực phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp”.

Nổi bật nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, như công nghiệp năng lượng được khai thác và phát triển nhanh. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đến năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 7.977 tỷ đồng, tăng bình quân 7,01%/năm; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục ổn định, phát triển, nhất là sản lượng điện. Trong nhiệm kỳ, trên địa bàn phía Bắc của huyện đã có 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (1, 2, 4) hoàn thành, phát điện thương mại, mỗi năm cung cấp  tổng sản lượng điện gần 20 tỷ kWh cho cả nước, đóng góp ngân sách tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Cùng đó,nhà máy Phong điện Thuận Bình ở xã Phú Lạc đi vào hoạt động; 9 dự án điện mặt trời phát điện trước ngày 30/6/2019. Trong năm nay, dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 và 2 dự án điện gió ở Phước Thể, Bình Thạnh (giai đoạn 2) đang triển khai. 15 dự án điện mặt trời đã và đang khảo sát, lập thủ tục đăng ký đầu tư. Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây, các đường dây 110, 220 kV, trạm biến áp 220 được xây dựng truyền tải điện trên địa bàn hòa lưới quốc gia. Tập đoàn Thái Bình Dương đã đưa Cảng Quốc tế Vĩnh Tân khả năng đón tàu vận tải hàng chục ngàn tấn vào cập cảng, hình thành dịch vụ công nghiệp - vận tải logistics… Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Tuy Phong và Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Hòa Phú đang thi công, thu hút một số dự án ban đầu. Khu chế biến thủy sản có mùi tập trung Rừng Đạo (giai đoạn 1) tại xã Phú Lạc được huyện đầu tư hình thành, thu hút hơn 20 cơ sở chế biến, đảm bảo môi trường xung quanh. Hệ thống nước được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt nhân dân. Trong khi đó Nhà máy nước Vĩnh Hảo nâng công suất lên 240 m3/ngày đêm,nhà máy nước Tuy Phong lên 30.000 m3/ngày đêm… đảm bảo phục vụ cho người dân, cơ sở sản xuất. 

Khởi sắc thương mại, dịch vụ…

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ được đầu tư mở rộng về quy mô ngành nghề, nguồn vốn, đạt 5.739 tỷ đồng; mạng lưới phân phối hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nhân dân, bình ổn giá cả, hình thành các loại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Đó là các siêu thị Co.op mart, Điệnmáyxanh, Báchhóaxanh ở các xã, thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa, Vĩnh Tân, Phước Thể; các chợ truyền thống được đầu tư nâng cấp. Hạ tầng viễn thông đầu tư đồng bộ, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, mật độ sử dụng điện thoại tăng, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 82%...

 Cùng với đó, các hoạt động quảng bá, phát triển du lịch được đẩy mạnh, gắn khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống; kết nối các điểm du lịch địa phương, các tour du lịch mới ven biển như Khu bảo tồn Hòn Cau đến tuyến Tà Năng- Phan Dũng, phát triển Khu du lịch Bình Thạnh... Nhờ vậy lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng tăng, tỷ lệ tăng bình quân 8,15%/năm (nghị quyết đưa ra 8 - 10%). Cụ thể, tổng số lượt khách du lịch trong, ngoài nước đến Tuy Phong trong 5 năm hơn 6,8 triệu lượt người (năm 2016 đón hơn 1,2 triệu lượt thì đến năm 2020 huyện ước đón 1,5 triệu lượt khách)…

Đồng thời, huyện Tuy Phong chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Dự án khu sản xuất giống thủy sản Chí Công, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Liên Hương hoàn thành; cửa biển Phan Rí Cửa và cửa sông Liên Hương đang được nạo vét dự kiến hoàn thành trong năm nay để phục vụ cho 1.454 tàu cá của ngư dân trong huyện neo đậu, đánh bắt các ngư trường với sản lượng khai thác thủy sản 55.000 tấn/năm. Đặc biệt, thế mạnh sản xuất tôm giống trên địa bàn đem lại hiệu quả cao, thu hoạch sản lượng giống đạt 23,7 tỷ post/năm, thu hoạch tôm nuôi hàng năm 2.200 tấn. Tôm giống Tuy Phong đã chiếm 70% thị phần ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung. Thông qua nguồn giống phong phú, chất lượng cao cung cấp cho nhiều trại, cơ sở nuôi tôm trong huyện, cùng nguồn lợi nuôi trồng, khai thác hải sản đã góp phần đưa sản phẩm tôm thẻ, tôm đông lạnh xuất khẩu tăng mạnh vào 2 thị trường Nhật, Đức, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của huyện…

Ở lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện đã được đầu tư 6 hệ thống kiên cố hóa kênh mương nội đồng dài gần 250m, tạo thuận lợi cho nông dân các địa phương chuyển đổi diện tích cây màu trên đất cát, đất bạc màu, đất lúa gò cao sang trồng cây có giá trị như thanh long ruột đỏ, bưởi, cam, quýt ở Vĩnh Hảo, Phong Phú, Phan Dũng. Đã có 20 trang trại trồng trọt, chăn nuôi sản phẩm lợi thế địa phương.

                
   Phát triển nhiệt điện Vĩnh Tân.

Nhờ thu hút dự án phát triển kinh tế trên địa bàn, huyện Tuy Phong đã thu ngân sách nhà nước vượt dự toán hàng năm, tổng thu ngân sách 5 năm đạt 1.462 tỷ đồng, riêng thu tiền sử dụng đất đạt 316 tỷ đồng.   

Phát huy sản phẩm lợi thế

Cách đây chưa lâu, trong các buổi làm việc với UBND huyện Tuy Phong, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã biểu dương huyện có các mặt kinh tế tăng trưởng khá cao trong bối cảnh kinh tế còn chưa hết khó khăn; góp phần hoàn thành, vượt kế hoạch hàng năm. Huyện tạo điều kiện phát triển sản phẩm lợi thế: tảo, tôm giống, mủ trôm; phối hợp sở, ngành xúc tiến chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu tôm giống sản xuất tại Tuy Phong, phát triển mạnh ra thị trường trong, ngoài nước; song song di dời các cơ sở này từ Vĩnh Tân vào khu nuôi tập trung ở Chí Công, tránh ảnh hưởng nhiệt điện ở đây; mở rộng diện tích cây trôm thành vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp nhà đầu tư trong lĩnh vực này… Tuy Phong cũng triển khai các giải pháp cụ thể kêu gọi đầu tư bên trong các khu, cụm công nghiệp. Huyện khuyến khích nhân dân làm thủy lợi nhỏ; xây dựng nông thôn mới gắn phát triển giao thông nông thôn; tăng cường bảo vệ rừng vùng giáp ranh với Lâm Đồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cải cách thủ tục hành chính phục vụ đầu tư, phát triển…

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN TUY PHONG LẦN THỨ IX, NHIỆM KỲ 2020 - 2025: