Theo dõi trên

Bình Thuận: Cần giải bài toán khai thác tiềm năng hiệu quả

26/10/2018, 09:26

BT- Với chiều dài bờ biển gần 200 km, ít mưa nhiều nắng, nhiều khoáng sản trong lòng đất… có thể nói vùng đất ven biển Bình Thuận rất đa dạng tiềm năng, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch. Trong hơn 20 năm qua, số dự án địa phương thu hút gần như lấp đầy những khu vực tiếp giáp bờ biển, thuận lợi cho phát triển công nghiệp không khói. Qua đó góp phần đưa GRDP du lịch năm 2016 đạt 8,01% trên tổng GRDP của tỉnh. Năm 2017  nâng lên mức 9,19% và dự báo tiếp tục tăng thêm vào những năm sau…  Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng là “điểm đến” của các dự án khai thác titan bởi phần lớn trữ lượng titan của cả nước (chiếm hơn 92%)  tập trung tại đây. Vài năm sau này, vùng đất ven biển cực Nam Trung bộ lại “bùng nổ” đăng ký dự án đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời của nhiều nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước thể hiện tâm huyết triển khai.

                
      
Vùng đất ven biển Bình Thuận giàu tiềm năng    phát triển du lịch, năng lượng tái tạo… nhưng có không ít dự án    chồng lấn khu vực titan. Ảnh minh họa.

Sẽ là đáng mừng nếu tất cả tiềm năng trên được khai thác cùng lúc, đem hiệu quả cao và đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tuy nhiên trên thực tế rất khó giải bài toán này. Dễ thấy nhất là không ít các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch và sản xuất năng lượng tái tạo có diện tích chồng lấn hoặc vướng quy hoạch khai thác và thăm dò khoáng sản titan. Riêng điện mặt trời, hiện tại Bình Thuận có 90 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất hơn 5.340 MWp và tổng vốn dự kiến lên đến gần 137.210 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã khởi công trong vài tháng gần đây.

Đối với tiềm năng khoáng sản titan, được biết từ năm 2010 đến năm 2017 tại Bình Thuận có 15 đơn vị được cấp phép khai thác titan trên 19 khu vực mỏ. Theo đó đã thực hiện nghĩa vụ tài chính là hơn 225 tỷ đồng, so tổng thu ngân sách của tỉnh thì số tiền của các doanh nghiệp khai thác titan chiếm từ 0,7 - 1%. Trong số này có 12 khu vực mỏ đã hết hạn khai thác từ các năm 2010 đến năm 2013 và hiện chỉ 7 khu vực mỏ còn hạn (có 3 khu vực mỏ chưa khai thác) nên khả năng đóng góp vào ngân sách sẽ giảm dần. Tuy nhiên nếu tiếp tục mở rộng khu vực mỏ, ngoài tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường thì việc khai thác titan còn ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các dự án khác theo quy hoạch như về du lịch, đô thị, sản xuất năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Bởi hầu hết các dự án titan đăng ký tại địa phương đều có vị trí ven biển, diện tích chiếm đất lớn, thời gian khai thác kéo dài.

Về điện mặt trời, đến nay Bình Thuận có 23 dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký khởi công xây dựng và hoàn thành phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019. Nhưng theo đánh giá, phần lớn trong số đó khó hoàn thành đúng tiến độ mà chủ yếu xuất phát từ nguyên do nằm trong khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan, hiện chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận triển khai… Như vậy, bài toán về khai thác các tiềm năng  cần có hướng giải quyết để đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó giúp Bình Thuận có điều kiện tạo bước đột phá và phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới tự chủ về ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

    
  

  Một dự án   du lịch vướng 778,5 ha vì chồng lấn titan

    Dự án Khu   đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né (tổng vốn đầu tư khoảng   15.000 tỷ đồng) tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình hiện có 778,5/1.020,07   ha chồng lấn khu vực quặng titan. Để gỡ vướng cho dự án, vừa qua địa   phương đã đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét,   trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi Quy hoạch và bổ sung vào khu vực   dự trữ lâu dài đối với diện tích 589 ha đất nằm trong Quy hoạch phân   vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến   năm 2020, có xét đến 2030 đã đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết   định số 1546 (ngày 3/9/2013). Cùng với đó cũng đề nghị Bộ Tài nguyên -   Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ khoanh định dự trữ lâu dài   đối với diện tích 189,5 ha còn lại nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản   quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 645 (ngày   6/5/2014).

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận: Cần giải bài toán khai thác tiềm năng hiệu quả