Theo dõi trên

Bình Thuận khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển

18/09/2019, 14:37

BTO- “Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2045, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển kinh tế mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn, có nền kinh tế mạnh về biển, làm giàu từ biển…” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh như thế tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức.

Hội thảo đã thu hút rất nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này. Đây là diễn đàn nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Tại hội thảo, Thạc sĩ Hoàng Nhất Thống, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: “Một trong những đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển, cần phải đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền để có nhận thức đúng đắn về bối cảnh hiện tại, yêu cầu và xu hướng để làm tốt công tác triển khai các hoạt động phát triển kinh tế biển”. Ngoài ra, các bài tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học đã đề cập rất tập trung vào vấn đề phát huy lợi thế so sánh để phát triển kinh tế biển ở khu vực duyên hải miền Trung và phía Nam. Đồng thời, đã phác thảo lên những lợi thế so sánh trên các lĩnh vực, như phát triển du lịch; phát triển năng lượng tái tạo; khai thác các chế phẩm từ biển, các tài nguyên sinh vật và vi sinh vật biển…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Hà cũng nhấn mạnh, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.

 

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Bình Thuận đã tập trung đầu tư phát triển du lịch và nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó lượng khách quốc tế tăng bình quân 12,8%/năm. Doanh thu từ du lịch tăng trưởng bình quân đạt 24,78%/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả, nhất là công nghiệp năng lượng khu vực ven biển và tại huyện đảo Phú Quý phát triển nhanh và đa dạng (thủy điện, nhiệt điện than, điện đi – e – đen, điện gió, điện mặt trời). Ngoài ra có khoảng 90 dự án điện mặt trời, 19 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương khảo sát hoặc đầu tư, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện, lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ, việc khai thác lợi thế tự nhiên vùng biển đã đưa sản xuất tôm giống trở thành thế mạnh nổi trội của tỉnh, chiếm trên 25% lượng tôm giống sản xuất của cả nước, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm thương phẩm trên thị trường các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh tế biển của tỉnh được giải quyết và từng bước phát triển ổn định trên tất cả các mặt, ngành thủy sản đóng góp khoảng 6,8% GRDP của tỉnh, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 150 triệu USD, chiếm gần 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh”.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhìn nhận quy mô phát triển kinh tế biển của tỉnh còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp, chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để vươn ra vùng biển quốc tế.

Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại và thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 36 ban hành, các đại biểu tại hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp trên cơ sở thực tiễn của từng địa phương, đồng thời nhấn mạnh phát triển kinh tế biển phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường và gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc…

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển