Theo dõi trên

Bình Thuận làm gì để vượt khó khăn kép?

27/03/2020, 11:44 - Lượt đọc: 9

Những con số không vui

BT- Bình Thuận kết thúc quý I năm nay với nhiều cái khó. Khó từ tháng 2 khó đi. Tháng 2 kết thúc với diện tích  lúa đông xuân 2019 -2020 chỉ được 21.000 ha, đạt 92,2% kế hoạch, bằng 62,2% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do lượng nước trong các hồ chứa thấp hơn 72,79 triệu m3 so với cùng kỳ, dẫn đến một số cánh đồng thiếu nước, phải giảm diện tích so với mọi năm. Một số nơi khô hạn cục bộ, diện tích trồng cây lâu năm cũng không khá hơn. Về tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Phần lớn sản lượng của 28.152 ha thanh long đang cho thu hoạch/30.653 ha toàn tỉnh, ách tắc đầu ra vì đa phần xuất sang Trung Quốc, trong khi  nước này có lúc đã đóng cửa khẩu vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu thanh long 2 tháng đầu năm của tỉnh bằng 78,15% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 20,2 triệu USD. Nhóm hàng nông sản ước đạt 0,89 triệu USD, giảm 55,39% so cùng kỳ…

Đánh bắt hải sản, 2 tháng ước chỉ đạt trên 22.000 tấn, giảm 1,57% so cùng kỳ. Thu ngân sách chỉ đạt 17,04% so dự toán; giảm 11,37% so cùng kỳ... Cùng thời điểm nói trên, lượng khách đến Bình Thuận  ước được 533.000 lượt, giảm 8,92% so với tháng trước… Nhìn chung bức tranh kinh tế chưa có nhiều điểm thật sáng. Điều đó thật dễ hiểu bởi đó là phần khởi đầu của 1 năm mà phần khởi đầu nào cũng thường khó khăn.

                
      
      Ngành may xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19    diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Ảnh: Đình Hòa

Khó khăn kép

Tháng 3, Bình Thuận tiếp tục không thuận lợi vì hạn vẫn diễn ra, cùng với đó dịch Covid-19 lan rộng. Từ chỗ chưa, đến lúc có một số người dương tính với Covid-19, thế là toàn tỉnh ra sức phòng chống dịch. Toàn bộ biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân được rà soát. Đây là lúc mà giấc ngủ, bữa ăn trưa của những người có trách nhiệm, của lãnh đạo tỉnh, luôn bị gián đoạn vì suy tính. Nỗi lo thứ nhất chưa kịp qua, nỗi lo thứ hai ập tới. Đó là nỗi lo sản xuất, thương mại, dịch vụ và nhiều vấn đề khác trong tỉnh… bị ảnh hưởng, thu hẹp. Nguyên nhân, lượng cầu hàng hóa của các nơi giảm; khâu vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa trở nên khó khăn do phải bảo đảm phòng chống dịch. Mặt khác, yêu cầu cách ly, hạn chế nhóm họp đông người, khiến  cho một số cơ sở  thương mại, dịch vụ... phải dừng hoặc hạn chế sức sản xuất. Rõ nhất, tại Đức Linh, một số cơ sở nông sản xuất khẩu phải giảm công nhân, hoặc chuyển sang làm thủ công, duy trì sản xuất tối thiểu, tránh tình trạng công nhân bỏ việc. Trên nhiều phố chính ở Phan Thiết, lần đầu tiên nhiều hàng quán đóng cửa, những trung tâm sinh hoạt, vui chơi tạm dừng... biến những phố dài trở nên hiu hắt chưa từng thấy! Du lịch cũng trở nên thưa khách so với lúc bình thường.

Vĩ mô và vi mô

 Khó khăn kép nói trên, ảnh hưởng đến Bình Thuận ở tầm vĩ mô và vi mô.

Ở vi mô, do chỗ sản xuất đình trệ, sản xuất, dịch vụ, thương mại  thu hẹp… hoặc tạm dừng, làm cho một lượng không nhỏ lao động của nhiều ngành nghề gián đoạn việc làm, thu nhập giảm. Nguồn thu ngân sách quý I  không khỏi bị ảnh hưởng. Dù không muốn nhưng tình trạng nợ thuế, chậm thuế trong dân  diễn ra. Và lẽ tất nhiên, những dự án cần chi của tỉnh  phải dời lại.

Ở tầm vĩ mô, kinh tế ngoại thương của Bình Thuận cũng ách tắc, sụt giảm. Trong những mặt hàng, cụ thể là thanh long, cho dù Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng tổng cầu hàng hóa vẫn còn một thời gian nữa mới phục hồi. Trong hoàn cảnh ấy, thanh long Bình Thuận xuất đi Trung Quốc còn rất lâu mới hanh thông. Hàng thủy sản, dệt may cũng vậy! Mới đây, chiều 20/3, trước thông tin Mỹ - EU ngưng nhập hàng may mặc từ Việt Nam trong một số tuần tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, các cơ quan chức năng của EU và Mỹ chưa có bất cứ quyết định nào về việc ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam, mà đây là quyết định của các đối tác ở 2 thị trường này. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ, nhiều cửa hàng bán lẻ tại các nước đóng cửa, nên nhu cầu hàng hóa xuất khẩu sẽ giảm, những mặt hàng không thiết yếu sẽ bị giảm tiêu thụ, làm ảnh hưởng chung tới tăng trưởng xuất khẩu vào 2 thị trường lớn là Mỹ và EU.

Được biết, Mỹ và EU là 2 thị trường nhập khẩu hàng dệt may  của Việt Nam với 50,2% tổng kim ngạch trong năm 2019, tức khoảng 19,6 tỷ USD. Một khi ngành may xuất khẩu của cả nước ảnh hưởng, Bình Thuận khó nói  là ngoài cuộc.  Chưa nói đến sản xuất tối thiểu để duy trì công nhân và trả công lao động.

Giải quyết 2 bài toán

 Bình Thuận làm gì để vượt qua khó khăn kép trong những tháng tới? Không thể giải đáp một sớm một chiều câu hỏi này được bởi không biết lúc nào dịch Covid-19 dừng lại (có người dự đoán là mùa hè, khi khí hậu nóng lên).

Vì vậy, chúng tôi nghĩ, với khó khăn 1, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; huy động sức mạnh toàn dân phòng chống, hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. Lúc này đây, toàn tỉnh cần là khối thống nhất, mỗi người sống có trách nhiệm và làm hết bổn phận của từng người trong cộng đồng. Đây cũng là lúc mà chỉ dựa vào sự lãnh đạo tỉnh, nguồn lực tài chính của tỉnh là chưa đủ… mà cần sự chung tay của cộng đồng, cả về phương tiện, tài lực để chống dịch. Với khó khăn thứ 2, bằng các nguồn lực, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Trước mắt là gia hạn thuế. Tạo mọi sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn khôi phục sản xuất, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kể cả thị trường trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhất đối với mặt hàng nông, thủy sản.

Biện pháp cụ thể

Hiện nay trong tỉnh có khoảng 212 cơ sở chế biến, trong đó có 15 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh, 1 doanh nghiệp chế biến đồ hộp có trang bị hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất tự động, được chứng nhận quản lý chất lượng HACCP, cần duy trì sản xuất, bảo đảm chất lượng hàng hóa để khi có điều kiện thì đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là thị trường Mỹ - EU bởi sau những biến động, tổng cầu hàng hóa nhập khẩu của các nước trên sẽ trở lại.

Với mặt hàng thanh long. Toàn tỉnh hiện có khoảng 170 cơ sở thu mua, sơ chế đóng gói và 15 cơ sở chế biến rượu thanh long, nước ép, siro, mứt, kẹo, thanh long sấy... Trong điều kiện có thể, đặc biệt là các cơ sở chế biến thanh long cần  tiếp tục quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng... Đây là vấn đề khó khi mà tổng cầu tạm thời giảm, nhưng một khi dịch tạm lui, tổng cầu sẽ khôi phục…

 Không ai liệu định được điều gì trước sức lây lan của đại dịch Covid-19, tuy vậy với quyết tâm và các biện pháp phòng chống khoa học, huy động được sức mạnh toàn dân chung tay cùng chính quyền, Bình Thuận sẽ vượt qua  khó khăn  kép trong quý II. Đồng thời có các biện pháp hữu hiệu tạo động lực giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tích cực góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững tình hình quốc phòng - an ninh, ổn định đời sống nhân dân năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận làm gì để vượt khó khăn kép?