Theo dõi trên

Bình Thuận nhiều thuận lợi trong phát triển điện mặt trời

14/09/2017, 09:26 - Lượt đọc: 69

BT- Với những điều kiện đặc thù về thiên nhiên: mưa ít, nắng nhiều, Bình Thuận đang có các yếu tố thuận lợi để phát triển điện mặt trời và đã được các nhà đầu tư quan tâm. Theo quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời tổng công suất trên 4.000 MW. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch trong tương lai.

 Phát triển điện mặt trời

Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên năng lượng một cách tối ưu. Cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh chuyển đổi rõ nét theo hướng khuyến khích phát triển năng lượng sạch song hành với các ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước vào năm 2020 với tổng công suất đạt trên 12.000 MW.

Bình Thuận đến nay đã có 5 dự án điện mặt trời được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình và thành phố Phan Thiết với tổng vốn đầu tư trên 14.800 tỷ đồng. Trong đó có dự án lớn như: Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, diện tích 309 ha; Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết, diện tích 211 ha... Ngoài ra, tính đến nay UBND tỉnh cũng có văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư gần 30 dự án điện mặt trời xin đăng ký triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 2 dự án đã lập bổ sung quy hoạch phát triển và được Bộ Công Thương phê duyệt là: Nhà máy điện mặt trời Eco Seido (công suất 40 MW) và Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (công suất 47 MW).

Hiện trên toàn địa bàn Bình Thuận có hơn 40 vị trí quy hoạch đưa vào danh mục thu hút dự án điện mặt trời với nhu cầu sử dụng đất khoảng 7.730 ha. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở khu vực Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân.

 Điện mặt trời hưởng cơ chế giá 2.086 đồng/kWh

Ngày 12/9, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.

Bộ Công Thương cho biết, việc ban hành thông tư sẽ giúp minh bạch hóa thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời, bổ sung công suất cho hệ thống điện, từng bước tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia. Nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030. Cụ thể là tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu này, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dựán điện mặt trời tại Việt Nam. Với cơ chế giá phù hợp cùng với hành lang pháp lý cho phát triển điện mặt trời, chính sách ưu đãi về thuế… thì mục tiêu của Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước vào năm 2020 sẽ thành hiện thực.

Quang Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận nhiều thuận lợi trong phát triển điện mặt trời