Theo dõi trên

Bình Thuận tham dự Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung

22/08/2019, 10:17

BT- Sáng 20/8, tại TP. Quy Nhơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung; đại diện của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học; các hiệp hội, ngành hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

                
      
   Lãnh đạo tỉnh ta tham quan gian hàng của    Bình Thuận và một số gian hàng các tỉnh thành bạn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng và sức thu hút của Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, đặc biệt là sự có mặt của các nhà đầu tư lớn trong nước và đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học. Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung nhằm tìm ra các giải pháp tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của vùng, với việc tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách để giải quyết những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố phát triển bền vững, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch biển đảo và những lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển miền Trung. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, KT - XH, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Tỷ trọng GRDP giai đoạn 2016 - 2018 có xu hướng giảm, GRDP năm 2016 chiếm 7,89%, năm 2017 là 7,79%, đến năm 2018 chiếm 7,84% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp. Nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn và hạn hán, đặc biệt tại các tỉnh Nam Trung bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.

Trình bày tham luận tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh ta cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã ký kết các hợp tác, liên kết phát triển với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Các chương trình hợp tác phát triển KT - XH giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định trên các mặt kinh KT - XH. Sở Công thương 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam trong phát triển kinh tế vùng phối hợp thu hút xúc tiến dự án đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác liên kết quảng bá du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực; thực hiện “Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh – Lâm Đồng – Bình Thuận giai đoạn đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đầu tư, phát triển ngành du lịch của 3 địa phương, góp phần khẳng định vị thế du lịch của tỉnh trong cả nước và thu hút đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng nhiều.  

Từ nhiều năm qua, Bình Thuận đã và đang khai thác tối đa và hiệu quả các lợi thế của tỉnh  như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, du lịch, cảng biển, các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã và sẽ hoàn thành đi vào hoạt động; phát triển hạ tầng sân bay, hoạt động xuất nhập khẩu.... Đây sẽ là những tiền đề, là một mắt xích quan trọng trên trục kinh tế Bắc - Nam của cả nước để Bình Thuận tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa lý kinh tế - chính trị và phát huy vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Công Nam – Đình Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận tham dự Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung