Theo dõi trên

Bồi thường dự án Cảng Kê Gà: Còn quá… nhiêu khê

19/12/2017, 09:24

BT- Dự án cảng Kê Gà cách đây hơn chục năm nhằm phục vụ ngành công nghiệp bauxite nhôm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Sau đó dự án đã bị dừng quy hoạch. Việc này đã gây thiệt hại cả ngàn tỷ đồng cho các nhà đầu tư ở đây. Thế nhưng việc bồi thường của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho các chủ đầu tư vẫn chưa có hồi kết…

Doanh nghiệp kêu trời

Sau nhiều lần họp bàn, cũng như sự quan tâm, kiên quyết của UBND tỉnh Bình Thuận có nhiều văn bản gửi các cấp, ngành chức năng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chuyển tiền về Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận để chi trả tiền bồi thường hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch do dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà. Tổng số tiền TKV phải chi trả bồi thường, hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp bị thiệt hại trong đợt đầu là gần 65,146 tỷ đồng. Vào ngày 31/5, Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận đã tiến hành chi trả 64 tỷ 448 triệu đồng cho 8 doanh nghiệp gồm Thạnh Lợi, Đồi Phong Lan, Minh Ngọc, Thạnh Đạt, Thảo My, Phương Bắc, Hương Bắc và Thế Giới Xanh. Riêng Khu du lịch Tân Thành Minh chưa đến nhận số tiền gần 698 triệu đồng do chủ doanh nghiệp bận việc gia đình sẽ được chi trả sau. Còn một số doanh nghiệp chưa được đền bồi vì nhiều nguyên nhân trong đó có Vạn Trụ (tiền thân là Công ty THHH Đức Hạnh). Hiện nay, theo ông Vũ Chí Công - chủ doanh nghiệp đang kêu trời vì thủ tục bồi thường quá nhiêu khê.

Đưa chúng tôi xem nguyên một giỏ hồ sơ sổ sách khoảng gần 1.000 trang chứng từ, hóa đơn, hợp đồng, ông Công nói: “Thế này mà người ta vẫn bảo không đủ cơ sở, thú thật tôi vẫn không biết phải làm sao nữa?”. Cũng như nhiều chủ đầu tư khác  hưởng ứng kêu gọi đầu tư du lịch của UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH Vạn Trụ đã đầu tư xây dựng khu du lịch tại khu vực Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Bất ngờ năm 2007, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp dừng xây dựng khu du lịch, tiến hành trả lại mặt bằng để phục vụ quy hoạch dự án cảng Kê Gà do Tập đoàn TKV làm chủ đầu tư. Đổ biết bao nhiêu tiền bạc công sức, chưa kể vay cả anh em bạn bè, ngân hàng, bị ngưng ông Công chỉ biết khóc ròng. Vì quá tâm huyết, cũng như hy vọng sẽ cứu vãn tình thế, ông cố cầm cự duy trì để KDL thoi thóp… chờ. Nhưng cả gần chục năm mưa gió, thời gian đã làm cho KDL xuống cấp trầm trọng. Khi nghe tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng quy hoạch cảng Kê Gà, đồng thời yêu cầu Tập đoàn TKV xem xét bồi thường cho 12 doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà. Quá mừng trước quyết định trên, ông Công tiếp tục làm khu du lịch Vạn Trụ hồi sinh lại và liều vay thêm 9 tỷ đồng để cải tạo lại các công trình đã bị xuống cấp. Đồng thời ông Công gửi đơn tới UBND tỉnh Bình Thuận và TKV xin được bồi thường và hỗ trợ, với tổng giá trị 25,1 tỷ đồng. Thế nhưng,  đến nay Công ty Vạn Trụ vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục bồi thường... 

Tiếp tục khiếu nại

Theo ông Công cho biết: “Họ yêu cầu tôi nộp bản vẽ thiết kế xây dựng, rồi dự toán các hạng mục công trình, hồ sơ hoàn công, hợp đồng thi công xây dựng theo từng thời điểm từ năm 2007 đến năm 2011 và rất nhiều thứ khác nữa và tôi cũng đã nộp đủ theo yêu cầu với toàn bộ hóa đơn, chứng từ nhưng họ vẫn cho rằng chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu”. Ông buồn bã: “Nhất là biên bản làm việc, tôi cảm thấy không đồng tình và có vấn đề ở đó”. Tại biên bản làm việc lập ngày 19/10/2017, Hội đồng bồi thường (gồm đại diện chính quyền, các sở, ngành tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn TKV) đã cho rằng: Hội đồng qua kiểm tra thực tế, có 6 hạng mục công trình còn tương đối tốt, công ty đang sử dụng mà không nghĩ rằng những hạng mục đó ông phải vay ngân hàng 9 tỷ đồng, thuê bảo vệ, tân trang, sửa chữa mới sử dụng cho đến bây giờ? Sở Tài chính yêu cầu Công ty Vạn Trụ xác định mức thiệt hại từng thời điểm, nhưng công ty chưa đáp ứng?

Trước các ý kiến tại biên bản trên, ông Công đã có đơn khiếu nại đề nghị hủy bỏ biên bản làm việc lập ngày 19/10/2017. Việc một thành viên tự tiện ghi “không đủ cơ sở để xác định mức độ thiệt hại” vào biên bản; trong khi nội dung này không thể hiện trong cuộc họp là không đúng thực tế”. Chưa kể, sau khi lập biên bản, nội dung biên bản đã cắt bỏ ý kiến của Công ty Vạn Trụ rất nhiều nhưng lại đưa thêm nhiều nội dung khác vào biên bản. Vì vậy, ông Công đã không ký vào biên bản, mà yêu cầu hủy bỏ biên bản đó. Vào ngày 28/11/2017, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Công văn số 5835/VP-BTCD do Phó Văn phòng ký gửi Sở Tài chính giải quyết, xem xét theo thẩm quyền và quy định pháp luật”. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã nhận được đơn của Công ty Vạn Trụ, yêu cầu hủy biên bản làm việc ngày 15/11/2017. Biên bản làm việc trên liên quan đến việc bồi thường thiệt hại của Công ty Vạn Trụ, do dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà.  Nội dung biên bản được lập ngoài phòng họp, cắt bỏ ý kiến doanh nghiệp, thêm nội dung không có vào biên bản.            

  Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi thường dự án Cảng Kê Gà: Còn quá… nhiêu khê