Theo dõi trên

Bức tranh kinh tế thời đại dịch

31/03/2020, 09:13 - Lượt đọc: 29

BT- Trước tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất - kinh doanh… nên bức tranh kinh tế của địa phương trong quý đầu năm nay cũng có phần kém sắc.

                
   Du lịch - ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực    tiếp của dịch Covid - 19 (Ảnh minh họa).

Đến nay, đại dịch Covid - 19 đã khiến hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận ảnh hưởng khá nặng, dự ước có thể gây thiệt hại cho ngành lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi sau tình trạng khách hủy tour và không lên kế hoạch đi du lịch vì ngại di chuyển thì đến lúc địa phương ban hành các quy định về quản lý du khách, nhất là khách quốc tế để tập trung chống dịch hiệu quả… Thế nên lượng khách đến Bình Thuận nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cũng như doanh thu từ hoạt động du lịch kể từ tháng 3/2020 bắt đầu giảm mạnh.

Số liệu thống kê trong tháng 3 cho thấy, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Bình Thuận ước đón và phục vụ 312.200 lượt khách, giảm xấp xỉ 28% so tháng trước đó và giảm gần 34% so tháng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả quý I/2020, toàn tỉnh ước đón 1.331.700 lượt khách, con số này không thể hiện mức tăng trưởng ổn định như nhiều năm qua và còn đánh dấu sự sụt giảm sâu đến 2 con số (giảm 10,32%) so cùng kỳ năm 2019.

Đối với khách quốc tế trong tháng 3 ước đạt 34.800 lượt, giảm 30,58% so tháng trước và giảm 44,5% so tháng cùng kỳ năm trước. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, khách quốc tế đến Bình Thuận chỉ đạt khoảng 164.400 lượt, giảm 16,25% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách Nga chiếm tỷ trọng cao nhất với 37,69%, kế tiếp là Hàn Quốc 11,2%; Đức 6,71%; Thái Lan 5,02%; Pháp 3,72%; Ba Lan 3,31%; Anh 3,07%... riêng khách Trung Quốc chiếm 2,18%.

Nhìn chung trong quý I năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh (ước đạt 14.645,4 tỷ đồng) vẫn tăng 3,4% so cùng kỳ nhưng không thể duy trì mức tăng hơn 12% như các năm gần đây. Trong đó doanh thu dịch vụ ước đạt 1.480 tỷ đồng, giảm 2,03% do dịch bệnh đang làm thay đổi thói quen đi mua sắm trực tiếp của người tiêu dùng địa phương. Như hạn chế đi đến chỗ đông người, chuyển sang chọn hình thức mua sắm online để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, việc tạm ngừng cấp visa cho du khách nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến dịch vụ lưu trú và ăn uống, dẫn đến doanh thu lưu trú và ăn uống chỉ đạt khoảng 3.035,3 tỷ đồng, giảm 6,7% so cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên cùng thời gian, nhóm hàng nông sản tham gia xuất khẩu chỉ đạt 1,5 triệu USD, giảm gần 50% so cùng kỳ, trong đó 2 mặt hàng thanh long và cao su đều giảm mạnh… Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận là kim ngạch của hàng dệt may tiếp tục đóng góp 44 triệu USD (tăng 4,91% so cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 43,56% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Được biết các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may vẫn đủ nguyên liệu sản xuất cho đến tháng 4, bởi 75% nguyên liệu được nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, các mặt hàng như giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm gỗ tham gia xuất khẩu trong quý I/2020 vẫn tăng so cùng kỳ (sản phẩm gỗ tăng 36,44%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 27,73%)…

Tình hình cho thấy trong quý đầu năm, nhất là từ tháng 2 - 3/2020, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Bình Thuận bắt đầu đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Thế nhưng với nhiều biện pháp triển khai triệt để nhằm phòng chống dịch bệnh nên lĩnh vực công nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động, qua đó giúp chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 14,48% so cùng kỳ, riêng sản xuất và phân phối điện không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid - 19… Dự báo tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu, do vậy địa phương và các sở ngành chức năng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh sẽ tiếp tục có những giải pháp ứng phó phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là thực hiện nghiêm các khuyến cáo, quy định của cấp thẩm quyền để chung tay cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch Covid - 19, khi đó mới tập trung dồn lực phát triển kinh tế với mức tăng trưởng ấn tượng như trước đây.

    
    Dù   chịu ảnh hưởng chung của đại dịch, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu hàng   hóa trong 3 tháng qua trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục đem về cho địa   phương khoảng 101 triệu USD, tăng gần 3% so cùng kỳ năm trước. Trong 3   nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đáng mừng nhóm hàng thủy sản và nhóm hàng   hóa khác vẫn thể hiện mức tăng trưởng dương, lần lượt là tăng 11,83% và   1,57%.

 QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức tranh kinh tế thời đại dịch